Elon Musk 'thất vọng' với siêu dự luật của ông Trump
Elon Musk thẳng thừng phản đối siêu dự luật chi tiêu của ông Trump, cho rằng dự luật 'không hề vừa to vừa đẹp' và đi ngược mục tiêu tiết kiệm ngân sách liên bang.

Elon Musk lần đầu công khai lên tiếng chỉ trích siêu dự luật của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Trong đoạn phỏng vấn phát hành hôm 27/5, Elon Musk - CEO Tesla và đồng minh thân cận của ông Trump - bất ngờ đưa ra những lời chỉ trích công khai hiếm hoi nhằm vào dự luật do chính ông Trump hậu thuẫn.
Theo Musk, dự luật chi tiêu “to và đẹp” (Big Beautiful Bill) mà ông Trump ca ngợi “đi ngược lại hoàn toàn với mục tiêu mà Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đang theo đuổi”, theo Politico.
“Thành thật mà nói, tôi thấy thất vọng trước dự luật chi tiêu khổng lồ này. Nó không chỉ không giúp giảm thâm hụt mà còn khiến tình hình tài khóa tồi tệ hơn, đồng thời phá hoại những nỗ lực mà đội ngũ DOGE đang thực hiện”, Musk phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CBS, sẽ được phát sóng đầy đủ vào Chủ nhật tới.
Siêu dự luật - vốn được mệnh danh là “Big Beautiful Bill” - được Hạ viện thông qua với chỉ một phiếu cách biệt trong tuần trước, bao gồm các nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của ông Trump về cắt giảm thuế, kiểm soát nhập cư và tái cơ cấu phúc lợi xã hội.
Trong phát biểu được cho là mang tính châm biếm, Musk nhận định: “Tôi nghĩ một dự luật có thể to, hoặc có thể đẹp, nhưng cá nhân tôi không chắc nó có thể vừa to vừa đẹp được”.
Trước đó, Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do Elon Musk dẫn dắt từng cam kết cắt giảm chi tiêu liên bang tới 2.000 tỷ USD. Cơ quan này đã giải thể hoặc “giảm biên chế sâu” tại 11 cơ quan liên bang và khiến khoảng 250.000 công chức liên bang nghỉ việc. Theo DOGE, những biện pháp này đã giúp ngân sách tiết kiệm được 160 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo mô hình ngân sách của Viện Penn Wharton, tổng chi tiêu chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tăng, bất chấp các động thái "thắt lưng buộc bụng" của DOGE. Dữ liệu này được cập nhật hàng tuần dựa trên số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ.
Những chỉ trích của Musk được đánh giá có thể gây ảnh hưởng đến nội dung cuối cùng của siêu dự luật, trong bối cảnh Thượng viện Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận và nguy cơ chia rẽ ngày càng rõ rệt.
Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ron Johnson (bang Wisconsin) - một trong những đồng minh thân cận của ông Trump - đang kêu gọi cắt giảm chi tiêu sâu hơn để thực sự giảm thâm hụt.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Cộng hòa khác lại phản đối việc dự luật cắt quá mạnh tay vào Medicaid và thu hẹp các khoản tín dụng thuế từng được ban hành theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).