Elon Musk được nhóm 20 người bảo vệ sau khi bị 2 kẻ dọa giết, có mật danh Voyager
Voyager là mật danh mà nhóm an ninh của Elon Musk sử dụng để gọi ông, tờ New York Times đưa tin như một phần cuộc điều tra về dịch vụ bảo vệ Giám đốc điều hành Tesla.
Việc chọn mật danh Voyager có thể vì nhóm an ninh muốn liên tưởng đến tinh thần khám phá và sự độc đáo của Elon Musk. Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX được xem là nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ô tô điện lẫn không gian.
Voyager là một trong những sứ mệnh không gian tham vọng nhất và lâu đời nhất của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ). Hai tàu vũ trụ Voyager 1 và Voyager 2 được phóng lên vào năm 1977 với nhiệm vụ khám phá các hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt trời.
Elon Musk không thể đi xa nếu không có vệ sĩ. Tỷ phú giàu nhất thế giới được hộ tống bởi tới 20 nhân viên an ninh, một số trong đó có vũ khí, cộng với một chuyên gia y tế ở bất cứ nơi nào ông đến, theo New York Times.
Theo nhiều cách, Elon Musk được bảo vệ bởi đội ngũ an ninh hùng hậu là hợp lý. Với giá trị tài sản ròng 251 tỉ USD, ông là người giàu nhất thế giới và khối tài sản lớn như vậy mang lại nhiều rủi ro.
Elon Musk không phải lúc nào cũng giàu có như vậy và New York Times đưa tin ông từng thích đi lang thang mà không đội ngũ an ninh túc trực 24/24 của mình. Song đến năm 2014, Elon Musk được cho đã nâng cấp nhóm nhân viên an ninh luân phiên để thực hiện các việc vặt, đánh giá các mối đe dọa và nghiên cứu những người bị coi là "theo đuổi ông không phù hợp".
Theo New York Times, những khoản chi phí này có thể lên tới 6 con số một tháng và hóa đơn từng là 163.000 USD vào tháng 1.2016. Tỷ phú 52 tuổi người Mỹ đã tăng cường các biện pháp bảo vệ cá nhân khi sự giàu có, địa vị và rủi ro an ninh của ông tăng lên.
Elon Musk cũng không ngại nói về những lo ngại về an ninh hoặc các mối đe dọa nhắm vào ông. Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla hồi tháng 6, Elon Musk cho biết "hai kẻ điên cuồng" đã đe dọa giết ông những tháng gần đây.
Vì thế, tỷ phú công nghệ này phải thực hiện các biện pháp để tăng cường an ninh của mình.
Năm 2022, trang Insider tiết lộ Elon Musk bí mật mua một ngôi nhà sau khi địa chỉ cũ của ông bị công khai. Một người hàng xóm trước đây nói với trang Insider rằng ngôi nhà của ông có an ninh 24/7. Elon Musk đã cố gắng xóa một tài khoản X (trước đây là gọi Twitter) theo dõi máy bay phản lực riêng của ông nhiều lần.
Với việc Elon Musk nói rằng mọi thứ "đang trở nên hơi điên rồ những ngày này" tại cuộc họp cổ đông Tesla gần đây, lực lượng an ninh của ông dường như được tăng cường để theo kịp.
Một hồ sơ nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) của Tesla tiết lộ rằng công ty bảo vệ Musk đã tính phí 2,4 triệu USD vào năm 2023 và thêm 500.000 USD nữa cho đến tháng 2.2024. Đây là chi phí mà Tesla đã trả cho các dịch vụ an ninh bảo vệ Elon Musk và tổng chi phí bảo vệ ông còn lớn hơn nhiều.
Lực lượng an ninh đó theo Elon Musk khắp mọi nơi, thậm chí đến cả phòng tắm. Errol Musk (cha Elon Musk) nói rằng ông lo sợ cho sự an toàn của con trai mình "dù có khoảng 100 vệ sĩ xung quanh". Elon Musk thậm chí còn tăng cường an ninh cho ngôi nhà của cha mình ở Nam Phi, trang bị hệ thống camera, hàng rào điện và có lính canh giám sát liên tục, Errol Musk cho biết.
Elon Musk không phải là ông trùm công nghệ duy nhất tăng gấp đôi chi phí an ninh. Tổng thù lao năm 2023 của Mark Zuckerberg là 24 triệu USD đến từ Meta Platforms "gồm hầu như là toàn bộ chi phí liên quan đến an ninh cá nhân" tại nơi cư trú của ông và trong các chuyến đi riêng, theo hồ sơ SEC.
Các công ty khác đã chi những khoản khiêm tốn hơn, với việc Apple bỏ ra hơn 820.309 USD vào năm 2023 cho an ninh cá nhân của Giám đốc điều hành Tim Cook và hơn 1.621.468 USD cho các chi phí liên quan đến chuyến đi riêng của ông.
Tesla cũng thắt chặt an ninh sau khi cựu giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn nhận lời dọa giết, đòi 300.000 USD bằng Bitcoin qua email, trang Insider đưa tin trước đó.
Ít nhất 5 cuộc gọi 911 khác đã được thực hiện từ năm 2022 đến 2023 từ trụ sở Tesla, mà cơ quan thực thi pháp luật phân loại là "đe dọa khủng bố", theo Insider.
Các nhân viên cũ và hiện tại của Tesla nói rằng công nhân nhà máy ở cả bang Nevada và Texas (Mỹ) phải kiểm tra thẻ trên ô tô đưa đón (hoặc ở cổng với những người lái xe hơi đi làm) tại hai điểm riêng biệt khi vào bên trong tòa nhà.
Chọn kỹ những nơi đến sau vụ bắt giữ CEO Telegram
Cuối tháng 8, Elon Musk ám chỉ rằng ông phải cẩn thận hơn về nơi mình đến sau khi Pavel Durov, Giám đốc điều hành Telegram, bị bắt tại Pháp.
Là chủ sở hữu X (trước đây gọi là Twitter), Elon Musk đang phải đối mặt với sự giám sát trên thế giới về việc người dùng phát tán thông tin sai lệch trên nền tảng truyền thông xã hội mà ông mua lại với giá 44 tỉ USD vào tháng 10.2022. Tỷ phú giàu nhất thế giới viết trên X rằng ông có thể chỉ di chuyển đến các quốc gia mà quyền tự do ngôn luận được "bảo vệ theo hiến pháp", nhằm tránh nguy cơ bị bắt giữ hoặc gặp rắc rối do các phát ngôn của mình. Elon Musk phản hồi như vậy sau bài đăng cảnh báo ông cân nhắc đến những tác động của nơi sẽ đến.
Pavel Durov, tỷ phú 39 tuổi gốc Nga, bị bắt tối 24.8 tại sân bay gần Paris (thủ đô Pháp) và phải đối mặt với các cáo buộc về tội phạm liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng của mình, gồm nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch gian lận.
Elon Musk lên tiếng bảo vệ Pavel Durov kể từ khi Giám đốc điều hành Telegram bị bắt và chỉ trích việc này là vi phạm quyền tự do ngôn luận, cảnh báo rằng điều đó báo hiệu một "thời kỳ nguy hiểm".
Pháp có luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận, được đưa vào hiến pháp nước này.
Trong một bài đăng trên X, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã chỉ trích những gì ông gọi là "thông tin sai lệch" về vụ bắt giữ Pavel Durov.
"Việc bắt giữ Giám đốc điều hành Telegram trên lãnh thổ Pháp diễn ra như một phần của cuộc điều tra tư pháp đang được thực hiện. Đây không phải là quyết định chính trị. Quyết định tùy thuộc vào thẩm phán", ông Emmanuel Macron viết.
Elon Musk và Pavel Durov có nhiều điểm chung. Cả hai đều điều hành nền tảng bị chỉ trích vì thiếu kiểm duyệt nội dung. Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận khoan dung của Telegram đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm phát triển mạnh.
Telegram là ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến tương tự như WhatsApp. Ứng dụng nhắn tin được mã hóa này, với gần 1 tỉ người dùng, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Elon Musk cũng phải đối mặt với sự chỉ trích vì người dùng phát tán thông tin sai lệch trên X.
Vào tháng 8, các cuộc bạo loạn cực hữu đã nổ ra trên khắp Anh sau vụ đâm chết người tại một lớp học khiêu vũ dành cho trẻ em. Các cuộc bạo loạn này một phần do thông tin sai lệch, được lan truyền trên X, rằng kẻ tấn công trong vụ đâm chết người nhập cảnh trái phép vào Anh.
Bản thân Elon Musk bị cáo buộc đổ thêm dầu vào lửa bằng các bài đăng về bạo lực, gồm cả tweet tuyên bố "nội chiến là điều không thể tránh khỏi" bên dưới một video về tình trạng hỗn loạn cực hữu ở Anh.
Một cựu giám đốc Twitter thậm chí còn gợi ý Elon Musk nên bị bắt nếu bị phát hiện đã gây ra tình trạng bất ổn tại Anh.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành Tesla đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý ở Brazil, nơi một thẩm phán Tòa án Tối cao ra lệnh đình chỉ X tại đây sau khi mạng xã hội này từ chối chặn một số tài khoản bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch.
Hôm 5.9, Pavel Durov chỉ trích giới chức Pháp áp dụng những điều luật lạc hậu khi truy tố ông và phủ nhận các cáo buộc nhằm vào Telegram.
Pavel Durov đăng bài viết dài trên Telegram, cho biết "thật đáng ngạc nhiên" khi ông phải chịu trách nhiệm về nội dung do người khác đăng trên nền tảng này.
"Sử dụng luật từ thời kỳ trước khi có smartphone để buộc tội một CEO về những hành động phạm pháp do bên thứ ba gây ra trên ứng dụng họ quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông viết.
Đây là lần đầu tiên Giám đốc điều hành Telegram lên tiếng kể từ khi bị bắt ở Pháp tối 24.8, rồi đóng phí khoảng 5 triệu euro hôm 28.8 để được tại ngoại.
Pavel Durov cũng phủ nhận những tuyên bố cho rằng Telegram "không khác gì một dạng thiên đường vô chính phủ", khẳng định ứng dụng này xóa "hàng triệu bài đăng và kênh có hại" mỗi ngày.
Giám đốc điều hành Telegram bác bỏ cáo buộc nền tảng không phản hồi các yêu cầu của giới chức Pháp, khẳng định ông đích thân giúp chính quyền nước này "thiết lập đường dây nóng với Telegram để giải quyết mối đe dọa khủng bố".
Pavel Durov sử dụng giọng điệu hòa giải hơn ở cuối bài viết, cho hay số lượng người dùng tăng vọt của Telegram đã gây ra những khó khăn ngày càng lớn, khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng. Ông ước tính Telegram đã đạt 950 triệu người dùng trên toàn thế giới.
"Đó là lý do tôi đặt mục tiêu đảm bảo cải thiện đáng kể vấn đề này", CEO Telegram cho hay, nói thêm rằng vấn đề đang được giải quyết nội bộ và sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết trong tương lai.
Ngoài ra, Pavel Durov tuyên bố Telegram sẵn sàng rút khỏi một quốc gia nếu không thể thống nhất về sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư và bảo mật với các cơ quan quản lý địa phương.