Duyệt đề án cơ cấu lại VNPT, doanh thu lũy kế đến 2025 gần 12 tỷ USD
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phấn đấu tổng doanh thu toàn tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 287.933 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 26.046 tỷ đồng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT giai đoạn đến hết năm 2025.
Theo đó, đến năm 2025, VNPT hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo; sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia.
VNPT đồng thời sẽ là nhà phát triển và ứng dụng các công nghệ cốt lõi (ảo hóa hạ tầng, công nghệ điện toán đám mây, AI/Big Data...) để chuyển đổi mô hình mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới việc cung cấp hạ tầng số, nền tảng cung cấp và kết nối hub - gateway, thông minh hóa sản xuất các sản phẩm dịch vụ số cho nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Về tình hình kinh doanh, VNPT phấn đấu tổng doanh thu giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 287.933 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước 26.046 tỷ đồng.
Về ngành nghề kinh doanh, VNPT tiếp tục kinh doanh những ngành, nghề được quy định tại Quyết định số 2129 ngày 29/12/2017 của Thủ tướng phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020 theo quy định của pháp luật.
Trong đó, ngành nghề kinh doanh chính gồm cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ ví điện tử); nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính là truyền hình và cung cấp chương trình thuê bao; thương mại điện tử, đại lý hàng hóa, bảo hiểm, đại lý xổ số thông qua cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số; xuất bản các sản phẩm số và phần mềm, chương trình.
Theo đề án, VNPT cũng phải tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc; thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bố trí, sắp xếp lao động phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới.
VNPT chỉ đạo các đơn vị thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển và yêu cầu sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tăng cường phát triển, đào tạo đội ngũ nhân lực, tỷ lệ lao động có đủ năng lực triển khai sản phẩm, dịch vụ số.
Tập đoàn hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành tại công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên để có cấu trúc và quy mô phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của VNPT...
Đồng thời, tiếp tục duy trì mô hình Công ty mẹ - VNPT là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, sắp xếp, tổ chức lại chi nhánh VNPT tại 63 tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, kinh doanh có hiệu quả; tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ III thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực.
Tiếp tục duy trì Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Công ty mẹ - VNPT. VNPT tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Cáp quang (FOCAL).