Duyên hải Trung bộ cần đi chung 'con tàu' năng lượng tái tạo

Ngày 10-10, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Duyên hải Trung Bộ do UBND TPHCM phối hợp với 6 tỉnh trong khu vực tổ chức.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên cùng các chuyên gia, đại diện Trung ương và hàng trăm doanh nhân, nhà đầu tư đến từ TPHCM và cả nước.

Thu hút dự án cần trọng tâm, trọng điểm

Tại hội nghị, các lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên lần lượt trình bày tham luận giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư của tỉnh mình.

Các tỉnh mong muốn thông qua hội nghị tiếp tục siết chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa TPHCM với vùng Duyên hải Trung bộ trong các chương trình phát triển, nhất là thu hút dự án đầu tư.

 Lãnh đạo các tỉnh tham quan các sản phẩm gian hàng đặc sản địa phương tại hội nghị

Lãnh đạo các tỉnh tham quan các sản phẩm gian hàng đặc sản địa phương tại hội nghị

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến trăn trở, câu hỏi từ các doanh nghiệp gửi đến các đồng chí lãnh đạo TPHCM và 6 tỉnh khu vực Duyên hải Trung bộ.

Trả lời câu hỏi thời gian tới TPHCM có định hướng gì trong việc hỗ trợ cụ thể đến từng tỉnh về việc giới thiệu, xúc tiến đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết, thời gian qua, thành phố vẫn luôn duy trì kênh hỗ trợ các địa phương về xúc tiến đầu tư qua Trung tâm Xúc tiến thương mại - Đầu tư. Vì vậy, các địa phương có nhu cầu kêu gọi dự án thì đăng ký tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư của TPHCM để cập nhật, lên danh sách. Thông qua đó, TPHCM sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hoặc sẽ hỗ trợ các địa phương khi tham gia các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải trả lời câu hỏi tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải trả lời câu hỏi tại hội nghị

Từ cách làm này, thời gian qua, TPHCM đã giúp đỡ nhiều tỉnh, thành khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút nhiều dự án mới, giúp các địa phương tăng trưởng. Tới đây, TPHCM sẽ tiếp tục duy trì, củng cố hình thức giúp đỡ các tỉnh ở Duyên hải Trung bộ qua website của Trung tâm Xúc tiến thương mại - Đầu tư TPHCM. Các thông tin về dự án mà các tỉnh muốn thu hút thì sẽ được đăng tải công khai trên website này để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm hiểu, tham gia đầu tư mở rộng dự án.

Phó Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM gợi ý các tỉnh cần chọn lọc những dự án trọng tâm, có điểm nhấn để thu hút đầu tư, không nên dàn trải.

 Đại diện doanh nghiệp ở TPHCM nêu ý kiến, đóng góp tại hội nghị

Đại diện doanh nghiệp ở TPHCM nêu ý kiến, đóng góp tại hội nghị

Thúc đẩy dòng dự án xanh, năng lượng tái tạo

Tại sự kiện, nhiều câu hỏi doanh nghiệp gửi đến các địa phương và Viện Năng lượng của Bộ Công thương và các chuyên gia, liên quan các nội dung như: quan điểm về bảo vệ môi trường xanh trong phát triển các dự án công nghiệp; các chính sách thúc đẩy dòng dự án năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, điện gió ngoài khơi; chính sách về thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng cường vận tải tiết kiệm, logistics…

Trả lời câu hỏi về quan điểm phát triển trong bài toán bảo vệ môi trường để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: Giữa xu thế biến đổi khí hậu, thiên tai đang tàn phá nặng nề vào hạ tầng kinh tế, tính mạng và tài sản con người thì lựa chọn phát triển xanh, hài hòa với môi trường cần được ưu tiên hàng đầu.

 Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trả lời tại hội nghị

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trả lời tại hội nghị

Theo ông Phạm Anh Tuấn, ở khu vực Duyên hải Trung bộ do mới phát triển công nghiệp nên môi trường vẫn còn đang được bảo tồn khá tốt. Trong đó, độ che phủ rừng cũng ở mức cao, đa số các tỉnh đều nằm giáp biển và sở hữu những eo biển, đầm vịnh đẹp, vì vậy có nhiều lựa chọn để phát triển xanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, vùng Duyên hải Trung bộ rất có tiềm năng thế mạnh tương đồng nhau, nhưng có 1 tương đồng có thể cùng nhau thúc đẩy đó là năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, nhiên liệu hydrogen...

TS Trần Du Lịch nhận định, khu vực Duyên hải Trung bộ muốn phát triển, có tăng trưởng nhanh thì tiên quyết vẫn là lựa chọn phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, công nghiệp ở đây cần phải nâng cấp thành công nghiệp xanh, công nghiệp số.

 Trao giấy chứng nhận nhà đầu tư mới đầu tư dự án vào tỉnh Bình Định

Trao giấy chứng nhận nhà đầu tư mới đầu tư dự án vào tỉnh Bình Định

Kết luận tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, hội nghị này là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động đánh dấu sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, quá trình phát triển kinh tế, thành phố luôn xác định muốn phát triển được thì phải gắn kết với các tỉnh; các chủ trương, chính sách của TPHCM cũng luôn tăng cường mở rộng giao thương vừa là hỗ trợ các tỉnh, vừa kết nối cho sự phát triển của thành phố.

 Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM phát biểu kết luận

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM phát biểu kết luận

Qua đây, ông Dương Ngọc Hải đề nghị các doanh nghiệp, hội, ngành ở TPHCM quan tâm tìm hiểu để kết nối các cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển mở rộng thị trường đến các tỉnh Duyên hải Trung bộ. Xem đây là cơ hội để phát triển, vừa góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển giữa TPHCM với các tỉnh...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cũng giao Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư của thành phố tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các sở - ban - ngành liên quan của các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ cùng hỗ trợ, kết nối cho doanh nghiệp đôi bên nắm bắt thông tin, nhu cầu hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực để giúp các tỉnh thúc đẩy tăng trưởng.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Hướng đến xuất khẩu năng lượng tái tạo

Tại hội nghị, ông Đặng Quốc Toàn (đại diện doanh nghiệp ở TPHCM) gửi câu hỏi đến Viện Năng lượng (Bộ Công thương) liên quan chính sách để làm chủ trong năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió ngoài khơi.

Ông Toàn cho rằng, khu vực Duyên hải Trung bộ và TPHCM rất có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nên cần khai thác lợi thế này để Việt Nam không chỉ sản xuất ra năng lượng tái tạo để phục vụ nội tại kinh tế mà xuất khẩu qua các nước để tạo nguồn thu.

Ông Đặng Quốc Toàn đặt câu hỏi gửi đến Viện Năng lượng

Qua đó, ông Toàn đưa ra so sánh ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trên biển Việt Nam nếu khai thác tốt thì sẽ mang doanh thu hàng trăm tỷ USD và dư địa lớn hơn so với ngành dầu khí. Làm sao để khơi thông các khó khăn, vướng mắc về chính sách để các thành phần kinh tế khác tham gia giúp sức đất nước khai phá dư địa này…

Lãnh đạo Viện Năng lượng trả lời tại hội nghị

Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện năng lượng Trần Kỳ Phúc cho biết, Chính phủ đang có nhiều chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để có vốn thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, trong đó sớm đầu tư 2 Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo ở 2 đầu đất nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tính toán để lồng ghép các chính sách cho năng lượng tái tạo trong Luật Điện lực sửa đổi tới đây…

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/duyen-hai-trung-bo-can-di-chung-con-tau-nang-luong-tai-tao-post763070.html
Zalo