Duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2%: Bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn tỉnh Hà Giang) cho rằng, việc kế thừa giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí Công đoàn là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm phúc lợi, ổn định cho người lao động.
Chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 18/6.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn tỉnh Bình Dương) bày tỏ đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2%. Theo đại biểu, nguồn thu kinh phí Công đoàn được duy trì từ năm 1957 đến nay và kinh phí Công đoàn được sử dụng tại Công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, theo một số kết quả nghiên cứu thì kinh phí Công đoàn chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp, và qua khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, vấn đề vướng mắc chủ yếu do thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh và cần nâng cao thể chế về hoàn thiện pháp luật, rất ít các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề trích nộp kinh phí Công đoàn 2%. Do đó, có thể nói vấn đề kinh phí 2% Công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí hoạt động công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn,.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn tỉnh Hà Giang) cho rằng việc kế thừa giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí Công đoàn là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm phúc lợi, ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Đại biểu cho biết, kinh phí Công đoàn 2% do doanh nghiệp đóng được pháp luật cho phép hạch toán vào giá thành của sản phẩm. Về bản chất, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn là để phục vụ cho việc chăm lo, bù đắp lại hao phí sức lao động của người lao động.
Thực tiễn nghiên cứu cho thấy việc đóng 2% kinh phí Công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp mà lại được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh, khoảng 0,2% đối với doanh nghiệp gia công và 0,14% đối với doanh nghiệp khác.
Do vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng về tổng thể mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì các đối tác không phản đối về vấn đề này.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động
Ủng hộ tiếp tục duy trì mức thu kinh phí Công đoàn như hiện nay, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng) nhìn nhận, nguồn kinh phí Công đoàn được sử dụng vừa mang lại lợi ích cho người lao động và cả người sử dụng lao động, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Theo đại biểu, tài chính Công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước là nội dung quan trọng trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ. Qua khảo sát tại các Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp nhiều năm qua, phần lớn Ban Chấp hành Công đoàn đã công khai cho đoàn viên và người lao động biết về quyền lợi hằng năm mà họ được hưởng, ví dụ như các chế độ thăm hỏi ốm đau, quà Tết, chi ngày 8/3, 20/10, chi 1/6, Tết Trung thu và chi Ngày Quốc tế Lao động...
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cũng thống nhất với việc tiếp tục quy định thu 2% kinh phí Công đoàn.
Đồng thời, theo đại biểu, dự thảo Luật quy định trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn thì sẽ được xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng là phù hợp để bảo đảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được xem xét miễn, giảm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện hoạt động trở lại bình thường, việc này cũng tạo điều kiện cho người lao động không bị mất việc.
Đáng quan tâm, đại biểu thành phố Cần Thơ đề nghị bổ sung biện pháp, chế tài đối với các doanh nghiệp cản trở, trì hoãn việc thành lập Công đoàn hoặc không đảm bảo thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Công đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp của mình nhằm bảo đảm tính hiệu quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.