Duy trì môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh

Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, địa bàn, một doanh nghiệp có thể thành lập thêm các công ty thành viên hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác có quan hệ lợi ích để chuyển lợi nhuận đến nơi được ưu đãi thuế, từ đó giảm thiểu số thuế phải nộp. Để giảm thiểu những hành vi chuyển giá của doanh nghiệp, Cục Thuế TP Hà Nội đã chú trọng nâng cao nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trên địa bàn.

Các chuyên gia cho rằng, hành vi chuyển giá không chỉ diễn ra giữa các giao dịch liên kết xuyên biên giới mà còn diễn ra giữa các giao dịch liên kết trong nội địa một quốc gia. Việc chuyển giá tạo ra hiện tượng “lỗ giả, lãi thật” ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này khiến khu vực kinh tế FDI có tỷ lệ thua lỗ cao nhất so với khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước.

Do vậy, ngành thuế cần có các biện pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp nhằm chống thất thu thuế, bảo đảm mục tiêu về nguồn thu ngân sách, duy trì môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

 Cán bộ thuế tư vấn về chính sách cho người nộp thuế trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: MAI LAN

Cán bộ thuế tư vấn về chính sách cho người nộp thuế trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: MAI LAN

Thông tin về lĩnh vực này, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Minh cho biết, Cục Thuế TP Hà Nội hiện quản lý thuế đối với hơn 5.700 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Trong đó, một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng doanh thu lớn bao gồm: Sản xuất, ngân hàng, bất động sản, gia công linh kiện điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời, thương mại, logistics, thương mại điện tử. Số thu từ khối các doanh nghiệp FDI trong tỷ trọng thu ngân sách nhà nước ngành thuế quản lý (trừ đất, thu khác) các năm đều có sự tăng trưởng. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP Hà Nội.

Về đặc điểm của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thủ đô, đa số là các công ty con của các tập đoàn, doanh nghiệp có trụ sở chính tại nước ngoài. Tại Việt Nam, các công ty này chỉ thực hiện nhiệm vụ gia công, sản xuất hàng hóa cho công ty mẹ, còn công ty mẹ bán nguyên vật liệu để sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra, quyết định về chính sách giá nguyên vật liệu và giá bán sản phẩm. Trong nhiều năm qua, một số công ty FDI mặc dù liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng kê khai lỗ, có hành vi chuyển giá, gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo nên tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư...

“Cục Thuế TP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận, chuyển giá nhưng cũng luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy định quản lý thuế của Nhà nước đối với giao dịch liên kết để doanh nghiệp tự giác kê khai, thực hiện đúng chính sách pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh có lãi phải chia sẻ lợi ích, có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước”, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Minh khẳng định.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/duy-tri-moi-truong-kinh-doanh-cong-bang-lanh-manh-795635
Zalo