Duy trì dòng vốn cho nền kinh tế
Liên tiếp trong tuần qua NHNN đã có các văn bản chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý ngày 28/11, NHNN đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị. Đây cũng là lần thứ 2 kể từ đầu năm NHNN thực hiện “nới room” tín dụng cho các ngân hàng. Có thể thấy, năm 2024 điều hành tín dụng của NHNN hoàn toàn khác với những năm trước. Đó là ngay từ đầu năm, NHNN đã sớm phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD với tổng mức tăng của toàn hệ thống khoảng 15%. Qua đó, các TCTD có thể chủ động cấp tín dụng cho khách hàng ngay từ đầu năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua các ngân hàng cũng rất nỗ lực trong việc thúc đẩy tín dụng thông qua việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng như triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho người dân, doanh nghiệp. Song song với đó, các ngân hàng cũng tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn, qua đó tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn tín dụng mới để phát triển sản xuất – kinh doanh. Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng cũng cho thấy, các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng dương, nhưng có sự phân hóa rõ nét. Có ngân hàng tăng 2 con số nhưng có ngân hàng chỉ ở mức 1 con số. Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Techcombank với 19,68%, HDBank với 16,54%, LPBank với 16,10% cùng nhiều ngân hàng tăng từ 14% đến trên 15% như Nam A Bank, MSB, MB, Kienlongbank, TPBank… Các ngân hàng trên có lẽ cũng nằm trong nhóm được nới room tín dụng trong đợt điều chỉnh này.
Quyết định nới tiếp room cho thấy, cơ quan điều hành theo dõi sát hoạt động tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đang có sự phân hóa. Vì vậy, NHNN đã có sự linh hoạt điều hành room tín dụng phù hợp với thực tiễn thị trường tránh cảnh “nơi thừa, chỗ thiếu”. Hay nói cách khác không để ách tắc nguồn vốn ở một số ngân hàng, đồng thời có thể hỗ trợ những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt có thêm dư địa, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của nền kinh tế.
Trước đó, NHNN đã ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD nghiêm túc triển khai các biện pháp nhằm ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê, đến tháng 10/2024, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Nếu so với năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 2,5%/năm. Còn tính từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm.
Việc NHNN liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với chi phí lãi suất hợp lý thể hiện sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên môn đánh giá tích cực công tác điều hành tín dụng của NHNN ngày càng linh hoạt, kịp thời, đảm bảo dòng vốn chảy thông suốt vào nền kinh tế. Nhưng các chuyên gia cũng lưu ý, phần tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm phải lựa chọn kỹ càng, thận trọng. Không vì cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao phó lại lựa chọn cho vay “lỏng tay” trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế có thể vẫn chưa phục hồi theo kịp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được mở rộng. Điều này có thể kéo theo rủi ro tín dụng tiềm ẩn lại phát sinh trong giai đoạn kế tiếp. Do vậy, NHNN cần chỉ đạo các TCTD một mặt duy trì dòng vốn cho nền kinh tế những vẫn phải đảm bảo cho vay vào các lĩnh vực sản xuất, hạn chế đầu tư vào các kênh đầu cơ.
Lường đón điều này, cùng với quyết định tăng chỉ tiêu, NHNN đồng thời yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm túc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành CSTT phù hợp.