Dứt khoát bỏ tư duy 'không quản được thì cấm' trong xây dựng, thi hành pháp luật

Sáng 18/5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngay sau khi Nghị quyết số 66-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban; các thành viên khác là Trưởng một số ban Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trưởng một bộ, ngành, cơ quan, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta. Nghị quyết ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới khi mà thể chế, pháp luật phải trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

“Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật mà cả cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị tại hội nghị.

Xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá”

Truyền đạt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nghị quyết đề ra phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước; xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và xác định đầu tư cho công tác này là đầu tư cho phát triển.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cụ thể cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, hướng đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra là năm 2030 và năm 2045.

Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.

Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó, Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển. Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác xây dựng pháp luật được yêu cầu phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng tính dự báo, nâng cao chất lượng chính sách.

Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, luôn gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời, chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Cán bộ, đảng viên dự hội nghị tại điểm cầu quận Đống Đa, TP Hà Nội

Cán bộ, đảng viên dự hội nghị tại điểm cầu quận Đống Đa, TP Hà Nội

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW đối với Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết này, đồng thời, xây dựng và ban hành các luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong các lĩnh vực cần thiết.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới trong tư duy và hành động của mỗi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dut-khoat-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-trong-xay-dung-thi-hanh-phap-luat.707175.html
Zalo