Đường ven biển gần 2.200 tỉ ở Quảng Bình phải thi công 'nhảy cóc'
Đường ven biển Quảng Bình được kỳ vọng sẽ mở ra trục phát triển mới. Thế nhưng sau hơn ba năm khởi công, dự án này đang phải thi công kiểu 'nhảy cóc'.
Thi công ‘nhảy cóc’ vì mặt bằng
Dự án thành phần 1 (đường ven biển) là một trong những công trình giao thông trọng điểm tại tỉnh Quảng Bình, có tổng mức đầu tư 2.197 tỉ đồng.
Dự án được khởi công từ cuối tháng 1-2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, với được kỳ vọng sẽ tạo liên kết giao thông xuyên suốt giữa các vùng trong tỉnh, đồng thời kết nối với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Đồng thời, phát huy hiệu quả khai thác tài nguyên biển và vùng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn. Khi hoàn thành, tuyến đường dài 80km này sẽ góp phần tạo đột phá cho sự phát triển của tỉnh Quảng Bình.

Tuyến đường ven biển được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình khi hoàn thành. Ảnh: B.T
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng (đơn vị chủ đầu tư), hiện dự án mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng xây lắp. Khoảng tám km tuyến đường vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), gây thi công ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Cụ thể, dự án đi qua địa bàn 16 xã, phường thuộc 6 huyện, thị xã và thành phố, ảnh hưởng tới 1.046 hộ dân và 37 tổ chức, với tổng diện tích đất thu hồi lên đến 199,33ha. Trong quá trình triển khai, công tác giải phóng gặp nhiều vướng mắc như bồi thường các trang trại nuôi trồng thủy sản, bố trí tái định cư, hay sự thay đổi chính sách bồi thường theo quy định mới của Luật Đất đai.
Đặc biệt, chi phí giải phóng mặt bằng cũng là một thách thức lớn. Dự toán ban đầu là hơn 353 tỉ đồng, nay dự kiến tăng lên gần 600 tỉ đồng (tăng khoảng 247 tỉ đồng), trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn còn chậm.

Trong các vướng mắc giải phóng mặt bằng có những khó khăn trong việc bồi thường trang trại nuôi trồng thủy sản. Ảnh: B.T
Ông Nguyễn Văn Phong, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, một trong các đơn vị thi công tuyến đường này, cho biết: “Mặt bằng được bàn giao không liên tục khiến quá trình thi công bị gián đoạn, 'nhảy cóc' kéo dài thời gian và làm phát sinh chi phí. Nếu được bàn giao sớm và thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ hoàn thành gói thầu XL-05 dài 22km qua TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vào cuối năm nay”.
Quyết tâm về đích đúng hẹn
Theo ghi nhận, tại từng gói thầu, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Cụ thể tại TP. Đồng Hới, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất, cho biết: “Hiện còn khoảng 2,05km vướng mắc liên quan đến bốn hộ dân và tổ chức có trang trại thủy sản. Chúng tôi đang huy động nhân lực kiểm kê, áp giá đền bù và báo cáo UBND tỉnh trong tuần này”.
Tại huyện Quảng Trạch, ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho hay đã bàn giao được 9,6/10,2km (đạt 94,12%). Phần còn lại liên quan đến một số vật tư, thiết bị nuôi trồng thủy sản chưa có trong bảng giá đền bù nên cần định giá bổ sung, phấn đấu hoàn tất trong tháng bốn và bàn giao mặt bằng trong tháng năm tới đây.

Trung tá Phan Quang Thành, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhật Lệ (thứ nhất bên trái sang) tuyên truyền, giải thích cho người dân bị ảnh hưởng nhằm có tiếng nói chung để dự án được triển khai thông suốt. Ảnh: B.T
Mặc dù không nằm trong thành phần các tổ công tác giải phóng mặt bằng chính thức, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chủ động vào cuộc hỗ trợ, cho thấy tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển chung của địa phương.
“Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng tôi gặp gỡ các hộ dân bị ảnh hưởng để nắm bắt tâm tư, tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai thông suốt. Đồng thời, lực lượng biên phòng cũng tham gia hỗ trợ người dân tháo dỡ tài sản, thiết bị tại các khu nuôi trồng thủy sản nhằm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ tỉnh yêu cầu”, Trung tá Phan Quang Thành, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhật Lệ, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Ông Hoàng Đăng Cương, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết, các tổ công tác liên ngành đã được thành lập để phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong thẩm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được báo cáo UBND tỉnh giải quyết. “Mục tiêu là hoàn tất toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án trong tháng 5 và đảm bảo đưa dự án về đích vào cuối năm 2025 như kế hoạch”, ông Cương nhấn mạnh.