Dương Văn Hội - Người đặt nền móng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc

Dương Văn Hội đã dùng hết cuộc đời mình cho đạo pháp. Trung tâm khắc kinh Kim Lăng đã trải qua biết bao thăng trầm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa Phật giáo cận đại.

Tác giả: Văn Thị Ngọc Ánh
Pháp danh: Thích nữ Hạnh Hiếu
Học viên Thạc sĩ khóa VI Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

Khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại một số nước châu Á diễn ra phong trào Chấn hưng (cải cách Phật giáo). Bắt đầu từ các nước như Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, phong trào này đã lan sang các nước như: Nhật Bản, Myanmar, Việt Nam. Đặc biệt, nếu như Thái Hư Đại sư được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu về phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam với tư cách là linh hồn của phong trào Chấn hưng ở Trung Quốc thì Dương Văn Hội được xem là nền móng của phong trào này.

Bài viết về Dương Văn Hội nhằm cung cấp cho độc giả, nhất là độc giả Việt Nam những hiểu biết về một nhân vật được xem là cha đẻ của ý tưởng chấn hưng với chủ đề “Dương Văn Hội - Người đặt nền móng cho phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc”.

Nội dung

1. Sơ lược về Dương Văn Hội

Dương Văn Hội hay còn gọi là Dương Nhân Sơn, sinh vào ngày 16 tháng 11 năm 1837 (năm Đạo Quang thứ 17 triều Thanh) tại Thạch Đãi, tỉnh An Huy. Từ nhỏ Dương Văn Hội rất thông minh, là người nho nhã, không thích nghiệp khoa cử, rất thích đọc sách, những sách về Đạo gia, binh gia và sách của các nhà tư tưởng nổi tiếng (1).

Chân dung Dương Văn Hội

Chân dung Dương Văn Hội

Nhiều tài liệu ghi do Dương Văn Hội không lấy được một người vợ ưng ý nên buồn bã tìm đến sách “Đại thừa Khởi Tín Luận”, đọc và chứng ngộ (2). Có tài liệu ghi do ông lâm trọng bệnh, nên thấy quyển Đại thừa Khởi Tín Luận ở trên kệ đã lấy xuống đọc và ngộ đạo. Nhưng những tài liệu này đều ghi nhận sau khi ông ngộ được lời kinh trong “Đại thừa Khởi Tín Luận” ông chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi và tu tập Phật giáo.

Ông bắt đầu đến nhà sách, tự viện để tìm thỉnh kinh Phật. Một hôm nghe nói những sách quan trọng bị thất lạc, ông không tiếc thời gian tìm kiếm. Ông còn tìm gặp những vị cao Tăng để thảo luận phật pháp. Thậm chí, trên đường nhìn thấy vị Tăng nào có tướng mạo khác thường, ông đều đi theo sau cho đến tận chùa.

Kể từ đó, ông dành hết thời gian vào dịch kinh, nghiên cứu kinh điển, mở trường và đào tạo Tăng tài. Dương Văn Hội dốc hết sức mình cho chấn hưng Phật giáo trên ba phương diện: Sưu tập các bản sách của cổ đức; khắc và in ấn lưu hành kinh điển Phật giáo; thành lập trường học Phật giáo và đào tạo Tăng tài. Đây cũng chính là nền tảng chấn hưng Phật giáo Trung Hoa thời cận đại.

2. Đóng góp của Dương Văn Hội trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc

Khắc và in ấn lưu hành kinh điển

Ngoài việc sưu tầm và dịch các bản kinh, Dương Văn Hội còn ra sức khắc, in ấn kinh sách hầu bổ sung cho những kinh bị thiếu hụt trong nạn Thái Bình Thiên Quốc. Mặt khác, lưu hành trong xã hội, nâng cao trình độ và sự hiểu biết của Tăng sĩ và dân chúng, đặc biệt nó còn lan tỏa đến cả phương Tây.

Dương Văn Hội nhận thấy sau mười năm chiến tranh, các di tích văn hóa và kinh điển Phật giáo đều bị phá hủy, Dương Văn Hội thảo luận với những người đồng chí hướng nghiên cứu Phật giáo như: Ngụy Cương Kỷ, Tào Cảnh Sơ…

“Nghiên cứu chuyên sâu vào cội nguồn tôn giáo, bởi thế giới trong thời mạt pháp thế việc phổ độ chúng sinh đều tùy thuộc vào sự lưu hành của các tác phẩm kinh điển”. (3)

Họa phẩm năm 1884 mô tả trận An Khánh năm 1861 (Thời kì Thái Bình Thiên Quốc)

Họa phẩm năm 1884 mô tả trận An Khánh năm 1861 (Thời kì Thái Bình Thiên Quốc)

Do nạn của Thái Bình Thiên Quốc nên nhiều bản kinh đã bị thất truyền. Từ đó, họ cho rằng thời mạt pháp phải lưu hành kinh điển của đức Phật để phổ tế quần sinh. Lúc này bản Long tạng ở phía Bắc là văn tự chết, nhưng thư viện Song Kinh bị binh lửa đốt cháy. Để hoàn thành hạnh nguyện in bộ kinh tạng, chương trình sao chép này có hơn mười người phân công làm việc.

Dương Văn Hội và những người bạn cùng thời ở thập niên 60 của thế kỷ XIX, bắt đầu thành lập Khắc Kinh Xứ, vì thập niên 50 có nhiều thư viện Phật giáo bị binh lửa đốt cháy. Năm 1884, lúc Timothy Richard hỏi Dương Văn Hội tại sao phải in lại kinh điển, ông đáp, vì để bổ sung kinh sách bị thiêu hủy trong chiến loạn Thái Bình Thiên Quốc. Điều này một phần nói rõ việc tại sao in khắc lại kinh điển Phật giáo bắt đầu từ Nam Kinh, bởi vì loạn Thái Bình Thiên Quốc diễn ra ở đây.

Lúc bấy giờ kinh phí hương hỏa của chùa chiền rất thịnh vượng, Dương Văn Hội không phải vì thấy chùa chiền bị tổn thất mới hết lòng phát triển Phật giáo, mà do một nguyện vọng truyền thống, chính là bổ sung kinh điển Phật giáo bị thiếu để tạo công đức. Cho dù Dương Văn Hội và bạn bè của ông không phải vì cho rằng Phật giáo đang suy vi mà họ chắc chắn ý thức trong việc so sánh Phật giáo và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Cơ đốc giáo.

Họ nhìn thấy những giáo sĩ truyền đạo của Cơ Đốc giáo đến Trung Quốc ngày càng nhiều, lại cưỡng bức người khác gia nhập Nội Địa Hội. Họ hiểu “Phúc Âm” như lòng bàn tay, họ không chỉ thuyết giảng trong nội bộ tín đồ ở giáo đường, còn đứng ở đầu đường giảng cho những người dân bình thường qua lại.

Lúc đó, Dương Văn Hội tự hỏi: “Có bao nhiêu tu sĩ Phật giáo có thể thông thuộc kinh Phật? Cho dù có một số ít người đọc thuộc kinh điển thì có bao nhiêu người đủ khả năng thuyết giảng cho mọi người được nghe? Thế mà sứ mệnh truyền thống của Phật giáo là hoằng dương Phật pháp hướng tới hết thảy chúng sinh hữu tình”. (4)

Những suy nghĩ này đã đánh thức Dương Văn Hội phát nguyện in khắc kinh điển, để lưu truyền rộng rãi.

Tiếp đó hoặc sau đó không lâu, họ bắt đầu gọi tổ chức này là “Kim Lăng Khắc Kinh Xứ”; do ban ngày công việc bận rộn, Dương Văn Hội phải nghiên cứu Phật pháp, hiệu đính những kinh văn sắp xuất bản vào ban đêm. Ông còn tu tập thực tiễn hằng ngày như tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền. Năm 1874, ông dựng một ngôi nhà trên ngọn đồi cỏ ở Nam Kinh, gọi là Bắc Cực Các, dùng để lưu trữ các bản gỗ.

Năm 1898, Dương Văn Hội đã mua được một khoảng đất lớn ở Nam Kinh và xây dựng một ngôi nhà. Năm sau, ông đưa gia đình sang ở và Kim Lăng Khắc Kinh Xứ cũng chuyển đến đó.

Ngược thời gian vào năm 1878, trong thời gian ở Anh, ông còn tiếp xúc với giáo sư nghiên cứu phương Đông là Max Muller. Trong những học trò của Max Muller có một người Nhật Bản là Nanjo Bunyiu đang chuẩn bị biên soạn mục lục Đại Tạng kinh Hán văn, nhờ đó Dương Văn Hội kết bạn với vị học giả này. Nanjo bảo Dương Văn Hội rằng có nhiều bản kinh không có ở Trung Quốc nhưng vẫn còn lưu trữ ở Nhật Bản. (5)

Sau ba năm, Dương Văn Hội về lại Nam Kinh tiếp tục công việc in khắc kinh điển. Năm 1884, mục sư Timothy Richard của hội Baptist Missionary đến thăm Dương Văn Hội, nhận thấy công việc của Dương Văn Hội khó có ai bì kịp. Kinh phí in khắc kinh điển hoàn toàn dựa vào sự quyên cúng của các thí chủ.

Ngoài ra, Dương Văn Hội dùng tiền bạc của mình kiếm được để in ấn kinh điển, mặc dù lúc này in một bộ sách chỉ cần đến 40 hay 50 đồng, nhưng hầu hết việc in ấn kinh điển đều tiêu tốn hết khoản tiền mà ông kiếm được. Năm 1886, vì xích mích với chính quyền Trung Quốc, ông bỏ việc đại sứ, dùng hết thời gian còn lại của cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp Phật giáo. Số sách ông đã in được hơn 2000 loại để phổ biến truyền bá Phật giáo.

Khắc kinh và giáo dục dịch thuật là sự nghiệp một đời của Dương Văn Hội và cũng là cống hiến chủ yếu của cuộc đời ông. Vì vậy, sức ảnh hưởng của ông không chỉ giới hạn trong giới Tăng sĩ, mà còn cả người thế tục, giới chính trị, học thuật… Ông không chỉ khai mở phong trào mới cho cư sĩ Phật học thời cận đại mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến nền Phật học tùng lâm và Phật học ứng dụng thế gian.

Đúng như nhận xét của Ma Thiên Tường: “Dương Nhân Sơn mang thân cư sĩ, nhưng lại là bậc Tôn túc trong nhà Phật…nối tiếp Bành Thiệu Thăng để mở một phong trào mới cho cư sĩ Phật học; dưới thì mở màn cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX”. (6)

Sưu tập và dịch các bản sách của cổ đức

Sau khi ngộ được yếu chỉ trong “Đại thừa Khởi Tín Luận”, “Ông cất công sưu tầm kinh điển Phật giáo khắp nơi, đồng thời chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi. Sau đó, ông bắt gặp quyển kinh Lăng Nghiêm ở trong tiệm sách: “Tôi say sưa đọc mà gần như quên mất là mình đang ở trong tiệm sách”. Mãi đến tối chủ tiệm nhắc nhở thì mới bất đắc dĩ phải gấp sách ra về. Kể từ đó, ông buông bỏ những gì đã học và chuyên tâm vào giáo lý Phật giáo”. (7)

Năm 1865, lần đầu tiên Dương Văn Hội đến Kim Lăng. Ở đây, ông đã thu thập được một số bộ kinh. Năm sau, ông dời về Nam Kinh, Giang Ninh. Vào thời điểm đó, Đại Tạng Càn Long từ lâu đã không còn. Đại Tạng Kính Sơn bị hủy bởi giặc giã. Thậm chí muốn tìm Vô Lượng Thọ kinh, Thập Lục Quán kinh cũng không còn.

Vì vậy, ông phát tâm khắc lại Đại Tạng Phương Sách lưu hành phổ biến. Dương Văn Hội phác thảo chương trình, giao nhiệm vụ cho mười người cùng làm. Vậy là ở Kim Lăng, Dương Văn Hội sắp xếp thứ tự, kế hoạch cho công việc khắc kinh. Bản khắc đầu tiên là Tịnh Độ Tứ kinh của Ngụy Nguyên chú thích, do Vương Mai Thúc phụ trách.

Do ông kiêm nhiệm nhiều công việc nên gặp phải nhiều chướng ngại trong lúc nghiên cứu Phật học. Mãi đến năm 1873, ông mới buông bỏ hết được chuyện thế gian, ở nhà chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu Phật giáo. Thậm chí, dù được thư mời của Lý Văn Trung nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối.

Trong thời gian này, ông tập trung tham khảo các kinh điển Tịnh Độ và cách đo tỷ lệ để tạc pho tượng, hoặc tĩnh tọa quán tưởng; thẩm định về các quy tắc. Ông thuê họa sĩ vẽ tranh “Cực Lạc Tịnh Độ y chính trang nghiêm” và “tượng Đại Bi Quán Thế Âm”. Đồng thời tìm kiếm các tượng Phật và Bồ Tát do các danh nhân ngày xưa vẽ để khắc lại và cho lưu hành, cúng dường. Đây cũng là nền tảng để sau này Dương Văn Hội xây dựng nên tư tưởng Tịnh Độ.

Đến năm 1882, ông tìm thấy bản kinh Tây Tạng ở núi Huyền Mộ của Tô Châu, “cảm giác mừng như đào được châu báu” (8). Qua đó cho thấy, Dương Văn Hội quý sách như châu báu, nhất là sách kinh quý hiếm và đã thất lạc từ lâu.

Năm 1890 ông đến Bắc Kinh để đảnh lễ các bức tượng Phật bằng gỗ chiên đàn, nhân tiện sưu tầm một số sách ngoài Đại Tạng đã bị thất truyền. Sau đó không lâu, nhờ sự giúp đỡ của Nanjo, Dương Văn Hội mua được bộ Đại Tạng kinh chữ nhỏ từ Nhật Bản. Suốt ngày ông đóng cửa nghiên cứu và đạt được rất nhiều kết quả. Ông đã ngộ được những yếu chỉ trong kinh và thực tập theo lời dạy của kinh.

Cùng năm đó, sau khi về lại Nam Kinh, một người em họ của ông lên đường sang Nhật Bản làm đại sứ, Dương Văn Hội đã viết một bức thư gửi cho Nanjo Bunyu, nhờ tìm một danh sách kinh điển Phật giáo ở Nhật Bản. Sau đó, lúc người em họ này về nước đã mang theo hai, ba trăm cuốn sớ giải kinh điển Phật giáo mà Nanjo đã giúp ông tìm kiếm. Dương Văn Hội ban đầu chọn khắc một số kinh sách quan trọng. Lúc dùng hết số tiền tích lũy, ông chỉ còn cách dựa vào thu nhập hoặc phục chế những dụng cụ khoa học ông mang về từ châu Âu để có tiền đầu tư. Những dụng cụ khoa học ông yêu thích, ông cũng có thể bán để làm kinh phí cho khắc in kinh.

Điều này thể hiện ý thức và sứ mệnh với việc cống hiến của ông cho nền văn hóa Phật giáo là rất lớn. Kinh phí thiếu hụt, kinh sách khan hiếm, việc khắc in kinh điển lại gặp nhiều khó khăn như thế nhưng ông vẫn không để khó khăn quật ngã. Một việc cần phải nhắc đến là vào năm 1874, ông nghe người ta đồn ở núi phía Tây Động Đình có một ngôi chùa cổ, ở đó có rất nhiều kinh điển; ông một mình tìm đến đó nhưng không tìm được gì.

Đồng thời, do chi tiêu quá nhiều kinh phí, cho nên khi về đến Tứ Xuyên thì ông hết tiền, không thể về được nữa. Vào thời điểm đó, cuộc sống gia đình ngày càng trở nên khó khăn, vì vậy ông nhận làm việc tại Cục Công vụ Giang Ninh, để giải quyết nhu cầu cấp thiết của cuộc sống (9). Qua đó cho thấy, ông đã cố gắng nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm và dịch kinh sách thất truyền. Những điều này đã làm thành một bậc thang cho sự thành công của phong trào Chấn hưng Trung Quốc sau này.

Điều đặc biệt nữa đó là khoảng vào năm 1895, Dương Văn Hội từng gửi bức thư chỉnh sửa các lỗi sai trong các nghị luận của pháp sư Huyền Nhẫn. Sự việc trên cho thấy: “Niềm tin vững chắc, tinh thần mong cầu sự chính xác của ông trong việc hộ trì chính pháp, quý hơn thân mạng”. (10)

Trong thư gửi cho bạn bè ông có viết: “Từ khi đệ học Phật pháp đến nay đã gần 40 năm, đã khổ tâm nghiên cứu, lưu hành kinh sách, với mục đích là muốn làm chiếc thuyền từ trong biển khổ để phổ độ hàm linh” (11). Những lời chân thật ấy đã thể hiện được sự nhiệt tâm, nhiệt tình của ông trong việc tế thế độ nhân. Do đó ông có thể biến những gì mình đã học được trở thành niềm vui, thậm chí “Tìm được một bộ kinh, vui như cứu lửa cháy đầu”. (12)

Hình ảnh đó mô tả sự háo hức của ông đối với kinh điển Phật giáo. Vì sự nghiệp khắc kinh và giáo dục, ông đã hy sinh tất cả tài sản của gia đình mình; muốn tự lê thân thể suy yếu của mình để tìm mua các tác phẩm của cổ đức Trung Quốc viết vào thời nhà Đường và Tống… tất cả ông đều không ngần ngại mua với giá cao.

Thậm chí, ông không hài lòng với kinh điển Đại thừa nguyên bản tiếng Phạn, vì thế ông đã nỗ lực học tiếng Phạn, lúc này ông cũng đã già yếu. Sự hiếu học không biết mệt mỏi đó cũng đã thể hiện cụ thể cho ý thức về sứ mệnh văn hóa của ông.

Dương Văn Hội không chỉ xem nhiệm vụ của mình là tìm kiếm tư liệu của cổ đức và chấn hưng Phật giáo Trung Quốc mà còn muốn quảng bá Phật giáo đến phương Tây. Minh chứng là “Bản tiếng Phạn của Đại thừa Khởi Tín Luận từ sau đời Đường đã không còn lưu truyền trên thế giới nữa, nhưng Dương Nhân Sơn lại hứa hẹn sẽ dịch kinh đó từ bản dịch đời Lương sang Anh văn, đồng thời sẽ cùng hợp tác với Timothy Lee để cùng thực hiện nguyện vọng này”. (13)

Tóm lại, xuyên suốt tư tưởng của Dương Văn Hội là phục cổ, tức là tìm lại những lời dạy xưa kia của đức Thích Tôn đã từng dạy. Thực ra đó cũng là hình thức mượn cổ để cải thành hiện đại trong tư tưởng của Dương Văn Hội. Phục cổ chỉ là lá cờ, dung hợp chính là nội dung thực tế. Bởi vậy những tư tưởng của ông đều được người dân chấp nhận và dễ đi vào lòng người, dễ dàng hòa nhập với các đạo khác, mở ra một hướng đi mới cho Phật giáo sau này.

3. Kết luận

Dương Văn Hội đã dùng hết cuộc đời mình cho đạo pháp. Trung tâm khắc kinh Kim Lăng đã trải qua biết bao thăng trầm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa Phật giáo cận đại. Trường Phật học của ông chủ trương “dùng Anh văn để hiểu Trung văn và Phạn văn” xem đó như là một phương tiện cần thiết để chấn hưng Phật giáo và truyền bá sang phương Tây.

Các Tăng sĩ tham gia khóa học đó, nay hầu hết đều trở thành những học giả Phật giáo, hoặc những nhà hoạt động xã hội Phật giáo nổi tiếng. Tịnh Xá Kỳ Hoàn tuy không đủ kinh phí, hoạt động không đến 2 năm nhưng đã mở ra một phong cách giáo dục Phật giáo mới ở Trung Quốc, ngay cả trong lịch sử giáo dục Trung Quốc, thì đó cũng là một thành quả có giá trị, có sức ảnh hưởng lớn trong giới tu sĩ.

Vào thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa cải cách như Đàm Tự Đồng, Lương Khải Siêu và những người của đảng cách mạng trong cuộc cách mạng Quốc dân như Chương Thái Viêm… đều ảnh hưởng bởi tư tưởng từ Dương Nhân Sơn. Do đó, tư tưởng Phật giáo của Dương Nhân Sơn đã thâm nhập một cách tự nhiên vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội, bao gồm giới chính trị, giới tư tưởng học thuật. Đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống xã hội chính trị lúc bấy giờ và sau này.

Tác giả: Văn Thị Ngọc Ánh
Pháp danh: Thích nữ Hạnh Hiếu
Học viên Thạc sĩ khóa VI Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

CHÚ THÍCH

1. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 1, Nxb. Tôn giáo Hà Nội, năm 2022, tr. 246.

2. Holmes Welch, Thích Thiện Chánh (dịch), Phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, năm 2023, tr. 11.

3. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 247.

4. Holmes Welch, Thích Thiện Chánh (dịch), Phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, năm 2023, tr. 14.

5. Holmes Welch, Thích Thiện Chánh (dịch), Sđd, tr. 14.

6. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 1, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, năm 2022, tr. 262.

7. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 247.

8. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 2, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, năm 2022, tr. 250.

9. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 1, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, năm 2022, tr. 249.

10. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 253.

11. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 261.

12. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 261.

13. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Sđd, tr. 262.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 1, Nxb. Tôn giáo Hà Nội, năm 2022.

2. Holmes Welch, Thích Thiện Chánh (dịch), Phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, năm 2023.

3. Ma Thiên Tường, Thích Đàm Thái (biên dịch), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại tập 2, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, năm 2022.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/duong-van-hoi-nguoi-dat-nen-mong-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-trung-quoc.html
Zalo