Đường Trường Sơn - biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam

Đường Trường Sơn là một trong những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Suốt 16 năm (1959-1975), bất chấp 'mưa bom, bão đạn', con đường huyền thoại này không ngừng được mở rộng, trở thành tuyến chi viện chiến lược nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam và là biểu tượng liên kết của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Con đường vận chuyển chiến lược giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ảnh: Tư lệu

Con đường vận chuyển chiến lược giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ảnh: Tư lệu

“Rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1/1959), nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập một tuyến giao thông quân sự đặc biệt để vận chuyển cán bộ, vũ khí, trang bị vào miền Nam. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 - đơn vị mở đường Trường Sơn được thành lập. Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã vận chuyển vào chiến trường hơn 1.600 khẩu súng, hàng trăm nghìn viên đạn và đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn.

Nhận thấy vai trò sống còn của tuyến đường này, đế quốc Mỹ đã dốc toàn lực để phá hoại với mục tiêu “ngăn chặn từ xa” mọi hoạt động chi viện của miền Bắc. Từ năm 1959-1975, Mỹ đã thực hiện hơn 733.000 trận không kích, sử dụng đủ loại máy bay, trong đó có 26.500 lần B52, trút xuống Trường Sơn 7,7 triệu quả bom - tương đương 4 triệu tấn bom đạn, chiếm 50% tổng số bom đạn sử dụng ở Việt Nam, gấp đôi tổng lượng bom Mỹ dùng trong Thế chiến thứ hai.

Bên cạnh bom đạn thông thường, Mỹ còn sử dụng bom từ trường, thả chất độc hóa học gây hủy diệt sinh học nghiêm trọng, phá hoại rừng, hủy hoại hệ sinh thái và gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người. Ngoài ra, Mỹ - ngụy tổ chức hàng nghìn cuộc hành quân nhằm cắt đứt tuyến vận tải, bao vây các điểm trọng yếu, gây sức ép trực tiếp lên tuyến đường này. Dù vậy, mỗi mét đường Trường Sơn là kết tinh của ý chí sắt đá và sức sáng tạo vô biên của quân và dân Việt Nam. “Rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn” - sự mô tả ấy cho thấy mức độ khốc liệt mà Bộ đội Trường Sơn phải vượt qua.

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”

Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, nhân dân giao phó với tâm nguyện “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, giữ vững mạch máu giao thông, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn), Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi xác định tư tưởng “Đánh địch mà đi, mở đường mà tới” và tư tưởng của Bộ đội Trường Sơn là "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" nên huy động toàn bộ lực lượng, tập trung bảo đảm cho Bộ đội Trường Sơn mở đường đánh địch và đưa vũ khí, trang thiết bị cơ động cho chiến trường miền Nam".

Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến..., tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Cuối năm 1974, Bộ đội Trường Sơn có 9 sư đoàn binh chủng, 25 trung đoàn và tương đương, hàng chục tiểu đoàn trực thuộc các cục nghiệp vụ, tổng quân số hơn 100.000 người. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch (2 sư đoàn ô tô: 471, 571; 3 sư đoàn công binh: 470, 472, 473; Sư đoàn Phòng không 377). Các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, kết thúc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng kết lại, suốt 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn đã cùng quân và dân ta từng bước xây dựng con đường thành lưới giao thông liên hoàn với tổng chiều dài 20.000km đường ô tô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500km đường dây thông tin liên lạc. Đường Trường Sơn trở thành một “bát quái trận” xuyên rừng với 5 trục dọc, 21 trục ngang phủ kín dãy Trường Sơn cả bên Đông lẫn bên Tây.

Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường ra hậu phương miền Bắc. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt 18.740 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá: “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta. Không có tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng".

Với những chiến thắng vẻ vang và sự anh dũng, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. 85 tập thể và 52 cá nhân thuộc Bộ đội Trường Sơn được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 202 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công... Ngoài ra, Bộ đội Trường Sơn được tặng 4.814 Huân chương Chiến công và 11.000 huân, huy chương các loại.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duong-truong-son-bieu-tuong-cua-tinh-than-doan-ket-y-chi-chien-dau-cua-dan-toc-viet-nam-post488931.html
Zalo