Đường tới hòa đàm

Hiệp định Genève năm 1954 là dấu son chói lọi đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam và nền ngoại giao hòa bình, hòa hiếu. Để các bên tham gia ngồi vào bàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, không chỉ là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam, mà còn là tình đoàn kết cao cả, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới...

Quyết định mở mặt trận ngoại giao

Với phương châm tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, từ cuối năm 1953, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận ngoại giao. Tình hình thế giới và trong nước đã tác động sâu sắc đến quyết định này.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường, vào thời gian đó, “chiến tranh lạnh” đang diễn ra quyết liệt. Việc ký kết Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên khiến Liên Xô và Trung Quốc nhận thấy tranh chấp trên thế giới, dù ở Triều Tiên, Đông Dương hay ở châu Âu, đều có thể giải quyết bằng thương lượng. Ở Liên Xô, sau khi Stalin qua đời, ban lãnh đạo mới đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại, coi trọng hòa hoãn quốc tế nhằm tập trung xây dựng đất nước.

Trung Quốc vừa trải qua cuộc “kháng Mỹ, viện Triều” với nhiều tổn thất về người và của cũng có nhu cầu kiến thiết đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Chính vì vậy, dù cùng một “phe” trong “chiến tranh lạnh” Liên Xô và Trung Quốc đã ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong khi vẫn có những tính toán về chiến lược và lợi ích.

Nhân dân Việt Nam mít tinh ủng hộ việc triệu tập Hội nghị Genève năm 1954. Nguồn: baotanglichsu.vn

Nhân dân Việt Nam mít tinh ủng hộ việc triệu tập Hội nghị Genève năm 1954. Nguồn: baotanglichsu.vn

Ở Việt Nam, Lào và Campuchia, đến năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương đã giành được thắng lợi to lớn. Ở Pháp, phong trào đấu tranh đòi chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, tránh quá lệ thuộc vào viện trợ Mỹ, tập trung giải quyết các khó khăn về kinh tế - xã hội của nước Pháp cùng những thất bại về quân sự trên chiến trường Đông Dương khiến Pháp phải tính toán lại.

Cuối tháng 10.1953, Quốc hội Pháp thảo luận về chiến tranh Đông Dương. Nhiều nghị sĩ Pháp đòi Chính phủ đàm phán ngay với Chính phủ của Hồ Chí Minh. Ngày 12.1.1953, Thủ tướng Pháp Lanien phải tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc quốc tế, Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao".

Xuất phát từ nguyện vọng hòa bình tha thiết

Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phối hợp với các mặt trận để tham gia cuộc đàm phán cam go. PGS.TS. Trần Đức Cường phân tích, để kịp thời nắm bắt những chuyển động trên thế giới và cũng là tác động vào dư luận Pháp, trong trả lời phỏng vấn báo Expressen của Thụy Điển, ngày 26.11.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường và chủ trương của Việt Nam: “Cơ sở cho việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam... Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”.

Ngay sau bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra thông tư nêu rõ: Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyện vọng hòa bình tha thiết của nhân dân ta, của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới.

Ngày 25.1.1954, Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Berlin, Đức. Ngày 28.1.1954, các bên thỏa thuận triệu tập hội nghị quốc tế ở Genève để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ba tháng sau, ngày 15.3.1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn, báo cáo trước Hội đồng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt, nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi… Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội nước Pháp, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp lên đến cao trào, đẩy mạnh phân hóa trong chính giới Pháp, làm tăng sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp đối với đòi hỏi giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Sự ủng hộ của mặt trận nhân dân thế giới

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn cũng khẳng định, để các bên tham gia chấp nhận đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, Việt Nam nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ Quốc tế cộng sản, các Đảng cộng sản và công nhân các nước, các tổ chức dân chủ thế giới, phong trào hòa bình, phong trào phản chiến ở các nước.

Trong mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc, là lực lượng nòng cốt với sự ủng hộ mạnh mẽ về cả tinh thần và chính trị, cũng như sự giúp đỡ to lớn, quý báu về vật chất.

Các tổ chức hòa bình, tổ chức dân chủ thế giới (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, luật gia...) tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết, ra nhiều nghị quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ ba, tháng 10.1953 ở Vienna, Áo quyết định lấy ngày 19.12.1953 làm "Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam". Nhiều cuộc biểu tình - mittinh và các hội nghị quốc tế của các lực lượng và tổ chức hòa bình, dân chủ đã thực sự là những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ nhân dân ta.

Cùng với đó là sự ủng hộ của nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi và Mỹ Latin, nhất là các nước thuộc địa của Pháp, các nước mới giành độc lập dân tộc. Nhân dân Mỹ cũng đồng tình, ủng hộ nhân dân ta kháng chiến. Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước và nhân dân Pháp đã thúc đẩy sự hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Nội dung và hình thức đấu tranh rất phong phú: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, đình công không sản xuất, bốc dỡ vũ khí và phương tiện chiến tranh đưa sang Đông Dương, vứt vũ khí xuống biển...

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/duong-toi-hoa-dam-i380800/
Zalo