Đường sắt tốc độ cao: Mong đợi sáng ra Hà Nội làm tóc, tối về Vinh ngủ
Anh Hoàng Hải (31 tuổi, ở Vinh, Nghệ An) cũng đang vô cùng mong ngóng về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Anh cho biết đang ở trọ tại Hà Nội, anh làm nghề chạy xe ôm, vợ mở cửa hàng làm tóc. Trong tương lai khi có đường sắt tốc độ cao, vợ chồng anh Hải sẽ tính đến chuyện buổi sáng ra Hà Nội làm tóc, tối sẽ về Vinh ngủ.
Anh Hoàng Hải (31 tuổi, ở Vinh, Nghệ An) cũng đang vô cùng mong ngóng về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Hải cho biết, anh và vợ ra Hà Nội mở cửa hàng làm tóc thời trang nho nhỏ. Tuy nhiên, thời gian qua do kinh tế hậu đại dịch COVID -19 khó khăn, cửa hàng vắng khách nên anh và vợ phải luân phiên chạy xe ôm điện và trông coi cửa hàng để cáng đáng tiền thuê nhà trọ và mặt bằng.
Khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính thức được khởi công và tương lai sẽ đi vào vận hành thì vợ chồng anh Hải sẽ tính đến chuyện buổi sáng ra Hà Nội làm tóc, tối sẽ về Vinh ngủ để đỡ được tiền thuê nhà trọ và ăn uống.
Thực tế không chỉ gia đình bà Dung, anh Hải mà nhiều lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng đang ngày đêm mong ngóng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm được khởi công, để họ có thể rút ngắn thời gian về quê và giảm áp lực thuê trọ tại thành phố lớn.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp tái cấu trúc lại phân bố dân cư giữa khu vực đô thị, ven đô và vùng nông thôn; góp phần hạn chế việc di dân từ nông thôn ra thành phố.
Trao đổi với PV Tiền Phong về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) - cho rằng, hiệu quả đầu tiên mà tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đem đến là góp phần tái cấu trúc, phân bố lại dân cư giữa khu vực đô thị, vùng ven đô và khu vực nông thôn, để hạn chế số lượng dân di cư từ nông thôn về thành phố, giúp giảm mật độ dân cư đang quá cao ở các thành phố; tạo điều kiện để kết nối vùng, liên kết các thành phố với những khu vực vùng trũng chưa phát triển.
Theo ông Trường, dự án cũng góp phần để Việt Nam tiến tới hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Chính phủ với quốc tế, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu theo cam kết của Chính phủ.
Ngoài ra, việc đưa đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động sẽ tạo ra được một ngành công nghiệp mũi nhọn, một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để có thể triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án này.
Người đứng đầu Hanoi Metro nhận định, đối với những đất nước có địa hình dài và hẹp hình như Việt Nam hay Nhật Bản, đường sắt phải là phương tiện vận tải chủ yếu. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian qua do đầu tư cho đường sắt còn rất hạn chế nên loại hình giao thông này chưa phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình trong vận chuyển hành khách và hàng hóa Bắc - Nam.
Đến thời điểm hiện tại, nước ta đã có đầy đủ điều kiện để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao. Việc này đáp ứng được mong mỏi của người dân và các cấp chính quyền, đặc biệt là những người công tác trong ngành đường sắt.
Theo ông Vũ Hồng Trường, chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được các nhà lãnh đạo cao nhất chấp thuận thì chắc chắn sẽ triển khai thành công dự án. Hiệu quả đem lại không chỉ dừng ở vận tải, mà còn mang lại hiệu quả về mặt tài chính và nhìn rộng ra là hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, môi trường...
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực tinh thần từ các địa phương và người dân thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được triển khai nhanh chóng và chúng ta sẽ sớm nhìn thấy thành quả”, ông Trường nói.
Theo tờ trình Chính phủ trình Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có điểm đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài tuyến hơn 1.540 km. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).