Đường sắt tốc độ cao đi qua Nam Định, nguyên tắc nào để xác định vị trí ga?

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541km gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Trong đó, việc tuyến đường sắt này đi qua tỉnh Nam Định có ý kiến cho rằng chưa bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể. Theo đơn vị tư vấn, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà ga là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực.

Ga đường sắt tốc độ cao phục vụ kết nối với địa phương

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi dự án nghiên cứu trên cơ sở bảo đảm chiều dài tuyến giữa các điểm là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến.

Bên cạnh đó, hướng tuyến phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm khối lượng công trình ít nhất, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua. Hạn chế cắt qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh... Hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, cố gắng tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm bớt ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.

Vị trí các ga là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm kiểm soát trong định tuyến cho đường sắt tốc độ cao. Về nguyên tắc cơ bản, khi xác định vị trí ga trong khu vực phải đáp ứng tiêu chí: Tại trung tâm kinh tế, chính trị của mỗi tỉnh, thành phố nơi có tuyến đi qua sẽ bố trí một ga đường sắt tốc độ cao để phục vụ kết nối với địa phương.

 Phối cảnh nhà ga đường sắt tốc độ cao.

Phối cảnh nhà ga đường sắt tốc độ cao.

Đối với các vị trí ga bố trí thêm, cần thỏa mãn các tiêu chí: Khoảng cách giữa các ga bảo đảm cự ly tối thiểu khoảng 30km; đô thị lựa chọn đặt ga phải đạt từ loại III trở lên.

Vị trí ga hành khách được lựa chọn là các đô thị của tỉnh, thành phố và các trung tâm vùng. Đây là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực. Mỗi vị trí ga được xem xét đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện tại và quy hoạch đô thị của từng địa phương.

Vị trí nhà ga cần tiếp cận trung tâm đô thị hoặc các khu vực có tiềm năng phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để bảo đảm kết nối thuận tiện và thu hút hành khách. Khoảng cách giữa các ga phải phù hợp để hoạt động có hiệu quả.

Cùng với đó là khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng của các đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt hiện hữu, tạo điều kiện khai thác tối đa năng lực của từng hệ thống, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. Có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn thuận lợi, không cần thu hồi đất số lượng lớn, tiết kiệm chi phí.

Vị trí ga hàng hóa được xác định trên cơ sở tổ chức chạy tàu (để tổ chức móc, cắt toa xe hàng và quay đầu máy).

Ga Nam Định - điểm kết nối hành lang Bắc-Nam và Đồng bằng sông Hồng

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67km. Theo liên danh tư vấn, đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350km/giờ, điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới (với vận tốc nhỏ hơn 250km/giờ, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 30-50km; vận tốc trên 300km/giờ, cự ly ga khoảng 50-70km).

Sau khi đi qua ga Phủ Lý (Hà Nam), tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và Quốc lộ 21 về phía thành phố Nam Định. Sau ga Nam Định, tuyến đi về phía Ninh Bình, vượt sông Đáy tại khu vực phía Đông khu công nghiệp Khánh Phú (thành phố Ninh Bình).

Do vị trí ga Nam Định nằm về phía Đông so với trục Bắc-Nam nên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đi vòng để qua khu vực Nam Định. Việc lựa chọn hướng tuyến và vị trí ga Nam Định đã được nghiên cứu bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; đáp ứng yêu cầu kinh tế-kỹ thuật của tuyến.

 Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam qua tỉnh Nam Định.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam qua tỉnh Nam Định.

Sau quá trình làm việc, trao đổi, tỉnh Nam Định đã thống nhất hướng tuyến và vị trí ga qua địa phận tỉnh Nam Định đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, gần khu vực ga Đặng Xá của tuyến đường sắt hiện tại.

Ngoài phục vụ nhu cầu vận tải cho tỉnh Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn phục vụ cho cả vùng gồm tỉnh Thái Bình, một phần phía Đông Nam khu vực Hải Dương, Hưng Yên với quy mô khoảng 4 triệu dân. Trường hợp hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt.

Ngoài tuyến đường sắt hiện hữu, vị trí ga tại Nam Định sẽ kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh trong tương lai.

Ga Nam Định ngoài vai trò trung tâm của tỉnh Nam Định còn là điểm kết nối đến một số địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trên tuyến đường sắt hiện tại, ga Nam Định có vai trò quan trọng để kết nối hành lang Bắc-Nam với khu vực Đồng bằng sông Hồng.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/duong-sat-toc-do-cao-di-qua-nam-dinh-nguyen-tac-nao-de-xac-dinh-vi-tri-ga-800084
Zalo