Đường sắt tốc độ cao - Dấu mốc cho sự phát triển ở châu Á: Bài học từ Trung Quốc: Đi sau về trước
Kể từ khi đoàn tàu cao tốc CRH do Trung Quốc sản xuất vận hành thử nghiệm năm 2007, ngành đường sắt Trung Quốc bước vào thời đại tàu cao tốc mới. Đến nay, nước này đã xây dựng được hơn 46.000km đường sắt cao tốc, chiếm hơn 70% tổng số chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới.
Nhanh chóng sinh lời
Mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc hiện vượt xa các nước khác trên thế giới dù ra đời sau. Hệ thống này có khả năng cạnh tranh với giao thông đường bộ và hàng không cho các quãng đường lên tới 1.200km. Giá vé của đường sắt tốc độ cao cạnh tranh với xe buýt, máy bay và chỉ bằng khoảng 1/4 so với giá vé tại các quốc gia khác.
Đường sắt tốc độ cao Trung Quốc thu hút được khoảng 1,7 tỷ hành khách mỗi năm, góp phần thay đổi phương thức phát triển đô thị, thúc đẩy hoạt động du lịch và phát triển kinh tế. Mạng lưới này có tốc độ vận hành thương mại nhanh nhất thế giới. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải, Bắc Kinh - Thiên Tân, Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu và các tuyến khác đã đạt tốc độ tối đa 350km/giờ.
Tại Trung Quốc, chi phí hoạt động thường xuyên của hệ thống đường sắt quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao, không dựa vào ngân sách mà còn sinh lời, cho thấy nhà nước đã đóng vai trò rất lớn trong sự thành công này. Kể từ giữa những năm 2000 khi đường sắt tốc độ cao được triển khai xây dựng, nhà nước cung cấp gần 60% trong tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc quản trị xây dựng, vận hành, thực hiện đầu tư mua sắm, quy định kỹ thuật đều đặt dưới quyền quản trị của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CR).
Trung Quốc quyết định chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao thông thường (High speed train - HSR) thay vì công nghệ đường sắt từ trường (Maglev). Ở giai đoạn đầu phát triển đường sắt tốc độ cao, Trung Quốc tích hợp và áp dụng công nghệ nước ngoài cho các ứng dụng kỹ thuật khác nhau.
Sau khi dần tiến tới tự chủ công nghệ, nước này huy động rất nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu tham gia nghiên cứu cải tiến đường sắt tốc độ cao. Điều quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Trung Quốc là chọn đối tác nước ngoài từ 3 nước khác nhau để không bị lệ thuộc vào một nước nào.
Vận hành thông minh
Trong hơn 100 tuyến đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc, tuyến đường sắt tốc độ cao nối liền 2 thành phố lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải có mức đầu tư lớn nhất, và cũng là tuyến đang tạo ra giá trị kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.
Theo Đài phát thanh CRI, từ tháng 6-2011, tuyến đường sắt này đi qua 7 tỉnh thành ở miền Đông Trung Quốc với tổng chiều dài 1.318km, toàn tuyến sử dụng đoàn tàu tự hành với tốc độ cao nhất lên đến 380km/giờ, là tuyến đường sắt tốc độ cao có tiêu chuẩn công nghệ cao nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. Thời kỳ đầu của dự án, tỷ số nợ trên tài sản của tuyến đường sắt này có lúc hơn 60%.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu thông xe, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải chỉ mất thời gian 3 năm đã có thể thu lợi nhuận, 10 năm đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
Sở dĩ có thể thu được lợi nhuận khá nhanh là do tuyến đường sắt tốc độ cao này kết nối 2 khu kinh tế cốt lõi lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và châu thổ sông Trường Giang. 2 khu vực thành phố lớn này có lượng dân số tập trung, kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại khá lớn.
Để đảm bảo công tác bảo trì và vận hành, Trung Quốc đã chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). AI có khả năng cảnh báo cho các đội phụ trách bảo trì các tình huống bất thường trong vòng 40 phút. Với AI, số lượng lỗi đường ray nhỏ xuất hiện trong các tuyến đường sắt tốc độ cao đang hoạt động của Trung Quốc đã giảm 80% trong năm qua.
Trung Quốc còn tiên phong trong việc ra mắt các công nghệ hiện đại như tàu tự hành, hệ thống điều khiển tín hiệu tiên tiến trên đường sắt tốc độ cao. Trên các chuyến tàu tự hành, khoang chứa đồ được mở rộng để phục vụ cho các dụng cụ thể thao mùa đông, ghế ngồi có bảng điều khiển cảm ứng 5G, hệ thống ánh sáng thông minh và cảm biến an toàn.
Trung Quốc cũng áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và robot tại các nhà ga để điều hướng hành khách, hỗ trợ hành lý và làm thủ tục, mang đến trải nghiệm di chuyển hiện đại và thuận tiện hơn.