Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt
Theo phương án được đề xuất, Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD. Điểm đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm).
Thông tin tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do Báo Giao thông tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam thông tin, trong dự án ĐSTĐC, khối lượng xây lắp rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án ĐSTĐC.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, với dự án ĐSTĐC có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.
Về mặt chính sách, theo Luật Đấu thầu, khi lựa chọn nhà thầu có căn cứ xác định năng lực nhà thầu phải từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Tuy nhiên, ĐSTĐC là công trình đầu tiên tại Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tham gia đấu thầu.
Đại diện Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát huy khả năng của mình.
Được biết, dự án ĐSTĐC ngoài nguồn vốn đầu tư “khủng”, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.