Đường sắt Huế: Thực trạng, thách thức và hướng phát triển
TS. Trần Văn Khải - ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngĐể phát triển đường sắt Huế cần thu hút đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP), trong đó, cần tạo cơ chế linh hoạt, thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa dưới hình thức đối tác công tư vào các dự án đường sắt.
Những vấn đề tồn tại
Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn thành phố Huế dài khoảng 112,5 km, gồm 10 ga, trong đó ga Huế là ga chính. Mỗi ngày, ga Huế đón khoảng 40 chuyến tàu, phục vụ hàng nghìn lượt hành khách cùng khối lượng hàng hóa lớn. Hệ thống đường sắt này đóng vai trò huyết mạch, góp phần kết nối giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, mạng lưới đường sắt Huế vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Sự kết nối giữa đường sắt với cảng biển Chân Mây và sân bay Phú Bài chưa tạo thành chuỗi vận tải liên hoàn hiệu quả. Toàn thành phố hiện vẫn còn tới 87 lối đi tự mở cắt ngang đường sắt - những điểm giao cắt nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng tại các "điểm đen" giao cắt đường sắt trong khu vực thành phố Huế và các huyện lân cận. Bên cạnh đó, hạ tầng đường sắt qua Huế chưa được nâng cấp đáng kể suốt nhiều năm do thiếu nguồn lực đầu tư, khiến năng lực khai thác còn hạn chế so với tiềm năng.
Nguyên nhân xuất phát từ quản lý và nguồn lực
Nguyên nhân của những tồn tại trên xuất phát từ cả yếu tố quản lý và nguồn lực. Về quản lý, hệ thống đường sắt hiện vẫn do các cơ quan Trung ương quản lý tập trung, địa phương hầu như không có thẩm quyền chủ động trong đầu tư nâng cấp hạ tầng.

ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Huế về phát triển đường sắt. Ảnh: Tấn Tài
Về nguồn lực, ngân sách dành cho đường sắt còn hạn hẹp so với nhu cầu, trong khi việc huy động vốn xã hội hóa qua hình thức PPP vào lĩnh vực này đến nay vẫn rất thấp. Đầu tư đường sắt đòi hỏi vốn lớn, dài hạn nhưng lại có mức sinh lợi thấp, khiến khu vực tư nhân chưa mặn mà tham gia, dẫn đến ngành đường sắt chủ yếu trông chờ ngân sách nhà nước.
Giải pháp đề xuất
Để đường sắt Huế phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, cần sửa đổi Luật Đường sắt theo hướng hoàn thiện khung pháp lý, phân cấp, trao thêm thẩm quyền cho địa phương trong việc đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt. Điều này giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong huy động nguồn lực phát triển đường sắt trên địa bàn.
Thứ hai, tăng cường kết nối với cảng, sân bay. Đẩy nhanh việc thực hiện các tuyến nhánh kết nối đường sắt với cảng Chân Mây và sân bay Phú Bài (những hạ tầng đã được đưa vào quy hoạch phát triển) nhằm phát huy hiệu quả vận tải đa phương thức, kết nối thông suốt giữa đường sắt với đường biển và đường hàng không.
Thứ ba, xóa bỏ lối đi tự mở, bảo đảm an toàn. Theo đó, cần kiên quyết xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại bằng cách xây dựng đường gom và hầm chui thay thế những điểm giao cắt dân sinh nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường hệ thống cảnh báo và gác chắn tại các đường ngang hợp pháp để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Thứ tư, thu hút đầu tư theo mô hình PPP. Tạo cơ chế linh hoạt, thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa dưới hình thức đối tác công tư vào các dự án đường sắt. Việc này nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đồng thời huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp để nâng cấp hạ tầng đường sắt.
Những giải pháp trên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả Trung ương và địa phương. Với cách tiếp cận phù hợp và quyết tâm cao, đường sắt Huế có thể sớm khắc phục hạn chế, phát huy tốt vai trò vốn có, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế.