Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt được những kết quả nổi bật gì?
Tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác báo chí Thành phố tháng 11, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2023 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức sáng 6/12, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước, mở đầu phương thức vận tải mới của Việt Nam.
Tuyến được đưa vào vận hành đã khẳng định đường sắt đô thị có vai trò xương sống của giao thông đô thị để giải quyết bài toán giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông được các cấp ngành đánh giá cao, được người dân ghi nhận. Điều này thể hiện qua con số. Trong ngày thường, trung bình tuyến vận chuyển được 35.000 - 36.000 người/ngày; trong các ngày nghỉ, thứ Bảy và Chủ nhật tuyến vận chuyển được khoảng 25.000 lượt người/ngày. Đáng chú ý, trong giờ cao điểm có tới 80% là những người đăng ký và đi tàu bằng vé tháng.
“Chúng ta cần xem xét sản lượng vận chuyển trong giờ cao điểm. Theo khảo sát của chúng tôi, 47% người đi tàu là đi học, 49% là người đi làm và số còn lại ở những thành phần khác. Cát Linh - Hà Đông cũng đặc biệt thu hút giới trẻ khi 85% người sử dụng là ở độ tuổi dưới 50” - Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.
Như vậy, theo đại diện Hanoi Metro tuyến Cát Linh - Hà Đông đã thu hút được khách hàng mục tiêu là người đi học, đi làm vào giờ cao điểm và sử dụng thường xuyên dịch vụ bằng tàu điện.
Tuyến đường sắt đầu tiên này giúp từng bước làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, dần hình thành văn hóa đi lại của người dân theo hướng văn minh, lịch sự.
Nếu như trước đây nhiều người ngại đi bộ đến bến xe buýt, nhà ga, nhưng giờ nhiều khách đi bộ 1-2 km và chấp nhập sử dụng xe buýt để đến ga, góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông. Văn hóa đi tàu điện cũng hình thành, không còn chuyện hành khách vứt rác, nói chuyện ồn ào hay không nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai.
Cùng đó, bước đầu xây dựng được đội ngũ những người quản lý, trực tiếp vận hành đường sắt đô thị theo hướng chuyên nghiệp. Bởi hiện nay, toàn bộ công tác vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông do người Việt Nam đảm nhiệm.