Đường Quảng Ngãi (QNS): Đầu tư lớn cho tăng trưởng dài hạn

Vừa qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) đã trình cổ đông thông qua kế hoạch đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho loạt dự án mía - đường - điện nhằm tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

“Vị ngọt” từ chủ động đầu tư

Nhìn lại giai đoạn 2023 - 2024, có thể thấy kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn HoSE) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước với việc liên tục thiết lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, lãi ròng năm 2023 đạt 2.190 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với năm 2022 và lãi ròng năm 2024 tiếp tục tăng gần 9%, đạt 2.377 tỷ đồng.

Bên cạnh các yếu tố khách quan như giá đường thế giới neo cao, Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu…. theo đánh giá của Chứng khoán An Bình, kết quả kinh doanh của Đường Quảng Ngãi là thành quả của những định hướng chiến lược được công ty triển khai từ sớm.

Vùng nguyên liệu mía của Đường Quảng Ngãi tại An Khê (Gia Lai) được đánh giá là vùng trồng mía hàng đầu cả nước với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi.

Vùng nguyên liệu mía của Đường Quảng Ngãi tại An Khê (Gia Lai) được đánh giá là vùng trồng mía hàng đầu cả nước với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi.

Điển hình là quyết định nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn/năm (giai đoạn 2016 - 2017); đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE (giai đoạn 2018 - 2021); đầu tư cơ giới hóa, phân bón, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vùng nguyên liệu mía; chú trọng hỗ trợ nông dân phát triển cánh đồng mía lớn;…

Qua đó, tính đến cuối niên vụ 2023 - 2024, Đường Quảng Ngãi đã sở hữu vùng nguyên liệu mía đạt hơn 29.000 ha, tăng 12% so với niên vụ trước; sản lượng mía cung cấp cho chế biến cũng tăng 15%, đạt 1,97 triệu tấn; và sản lượng đường từ mía sản xuất tăng 12%, đạt hơn 215.200 tấn, chiếm 19,4% tổng sản lượng đường từ mía tại Việt Nam.

Ngoài nhóm sản phẩm đường, Đường Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, và xuất khẩu sản phẩm cạnh - sau đường như sữa hạt, sữa chua uống từ thực vật… Chứng khoán An Bình đánh giá nhóm sản phẩm sữa đậu nành thương hiệu Vinasoy của Đường Quảng Ngãi ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Trong đó, dòng sản phẩm Fami ít đường ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 8%; các dòng sản phẩm Fami bổ sung hương vị và Fami Go cùng đạt mức tăng trưởng 31%. Đặc biệt, dòng sản phẩm sữa hạt mới ghi nhận mức tăng trưởng doanh số lên đến 104% trong năm 2024.

Doanh số xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Vinasoy của Đường Quảng Ngãi trong năm 2024 đã tăng 80% so với năm 2023. Các thị trường trọng điểm của công ty là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…. với 5 nhà phân phối cùng với 2.900 điểm bán hàng.

Với dòng sản phẩm bia, sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 đã tăng 3% so với năm 2023. Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi cũng phát triển xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

Tiếp tục đầu tư 4.000 tỷ đồng cho loạt dự án

Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê từ 18.0000 tấn mía/ngày lên 25.000 tấn mía/ngày của Đường Quảng Ngãi hiện đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt.

Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê từ 18.0000 tấn mía/ngày lên 25.000 tấn mía/ngày của Đường Quảng Ngãi hiện đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt.

Năm nay, Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu doanh thu ở mức 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 1.790 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và giảm 25% so với mức cao kỷ lục của năm 2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công ty thường hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Hiện Đường Quảng Ngãi đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho loạt dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bao gồm Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê từ 18.0000 tấn mía/ngày lên 25.000 tấn mía/ngày; Dự án nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối An Khê từ 95 MW lên 135 MW; và Dự án Nhà máy Ethanol An Khê với công suất 200.000 lít/ngày.

Trong đó, các sản phẩm chính của Dự án Nhà máy Ethanol An Khê gồm Ethanol dùng cho nhiên liệu (nhiên liệu sinh học), Alcohol dùng cho thực phẩm (cồn thực phẩm), Cacbon dioxit lỏng (CO2 lỏng), men sấy khô (dùng làm thức ăn chăn nuôi).

Đồng thời, công ty dự kiến sẽ tham gia đấu thầu nhập khẩu đường thô để tinh luyện nhằm tận dụng được công suất nhà máy khi mía đường trong nước vào mùa thấp điểm, giúp gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đối với mảng đậu nành, công ty dự kiến sẽ tiếp tục làm mới thương hiệu nhằm tận dụng đà tăng trưởng tốt hiện nay. Theo đánh giá của một số đơn vị nghiên cứu, hị phần sữa đậu nành có thương hiệu của Đường Quảng Ngãi đã lên 90,6% trong năm 2024, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2023.

Loạt kế hoạch đầu tư lớn trên được kỳ vọng sẽ giúp củng cố năng lực cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng mới cho Đường Quảng Ngãi trong trung và dài hạn, cũng như dần đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào mặt hàng đường vốn có tính chu kỳ về sự biến động giá.

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/duong-quang-ngai--qns-dau-tu-lon-cho-tang-truong-dai-han-139527.htm
Zalo