Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm kể từ ngày phát sóng

Năm 1998, sau những thành công và kinh nghiệm từ các sân chơi cho học sinh như 'Bảy sắc cầu vồng', VTV3 trăn trở, mong muốn tìm một loại hình chương trình mới cho khán giả trẻ. Tháng 3 năm 1999, sau các chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hàn Quốc và sự chuẩn bị kỹ trong việc tuyển chọn người chơi và ghi hình, 'Đường lên đỉnh Olympia' đã được ghi hình vào ngày 21/3/1999 và phát sóng lần đầu tiên vào ngày 28/3/1999. Kể từ đó đến nay, chương trình 'Đường lên đỉnh Olympia' đã trở thành một 'thương hiệu' và niềm tự hào của VTV3.

Logo chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Ảnh: VTV

Logo chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Ảnh: VTV

“Đường lên đỉnh Olympia”là một chương trình trò chơi truyền hình về kiến thức dành cho học sinh THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức và sản xuất từ năm 1999.

“Đường lên đỉnh Olympia” bao gồm 53 cuộc thi trong 1 năm, phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật hàng tuần trên VTV3. Trong đó có 36 cuộc thi Tuần, 12 cuộc thi Tháng, 4 cuộc thi Quý và 1 cuộc Chung kết được truyền hình trực tiếp, với 4 điểm cầu truyền hình đặt tại 4 trường có học sinh lọt vào chung kết.

Vòng nguyệt quế dành cho người thắng cuộc của chương trình đã trở thành một biểu tượng, một niềm mơ ước của các thế hệ học sinh THPT trên cả nước trong suốt 23 năm qua. MC Tạ Bích Loan là người đầu tiên dẫn dắt chương trình này, đồng thời cũng là người đã đưa ra ý tưởng về biểu tượng Vòng nguyệt quế, phần thưởng cho những người thắng cuộc trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.

Trần Ngọc Minh là quán quân đầu tiên vào năm 2000 và cũng là quán quân nữ đầu tiên trong lịch sử của chương trình.

Chương trình sử dụng bài hát “Đường lên đỉnh núi” do nhạc sĩ Hoàng Vân soạn nhạc và viết lời. Bài hát đã được sử dụng xuyên suốt 23 năm, nó trở thành một giai điệu khắc sâu vào tâm trí của những thế hệ khán giá yêu thích và cổ vũ cho chương trình này.

Chương trình lấy tên “Đường lên đỉnh Olympia” với ý tưởng là một cuộc đua leo núi bằng kiến thức dành cho các thí sinh mà người lên đỉnh núi đầu tiên sẽ giành được vòng nguyệt quế. Theo chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, một trong những người đầu tiên xây dựng nên chương trình cho rằng “Đỉnh Olympia thực chất là 1 đỉnh núi mang tính tượng trưng, nó tồn tại trong trí tưởng tượng và cả trong cuộc thi này".

Trong một chương trình khác, khi nói về điều này, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết thêm: “Đây chỉ là tên của một chương trình, đôi khi cái tên này không nên hiểu theo nghĩa đen... Một số tên của chương trình hay của các bộ phim đôi khi chỉ là một cái tên gợi cho khán giả nhiều hướng suy nghĩ khác nhau, truyền tải được rất nhiều thông điệp khác nhau”.

Có thể nói, Đường lên đỉnh Olympia hiện là một trong những chương trình gạo cội, có tuổi đời lâu nhất trên sóng VTV3 nhưng chưa khi nào chương trình này “hạ nhiệt” đối với các khán giả truyền hình, đặc biệt là các trận chung kết năm. Một trong những lý do nữa để Olympia vẫn “chiếm sóng” VTV3 trong suốt 23 năm qua cũng bởi đây là sân chơi trí tuệ với hàm lượng kiến thức khổng lồ. Chương trình không khiến khán giả nhàm chán vì sau mỗi tập thi, người xem lại lĩnh hội được thêm nhiều kiến thức mới. Và điều quan trọng là ở sân chơi này, những người trẻ đã và đang có cơ hội hiện thực hóa những giấc mơ lớn của mình trong cuộc sống.

Hương Giang (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/duong-len-dinh-olympia-sau-23-nam-ke-tu-ngay-phat-song/26746.htm
Zalo