Đường đến Olympic
Cơ hội để đạt mục tiêu về số suất dự Olympic 2024 theo đường chính thức ngày càng hẹp dần với thể thao Việt Nam (TTVN), đây không phải là điều bất ngờ nếu nhìn từ thành tích thi đấu tại Asiad 19 vừa qua.
Thực ra, số suất dự Olympic có ít đi cũng không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng hơn là cách chúng ta định hướng chinh phục đấu trường khổng lồ này. Olympic không phải là sân chơi liên quan đến số lượng, mà là năng lực cụ thể ở từng môn thi đấu.
Như tại Olympic Tokyo 2020, trong số 63 đoàn thể thao giành được huy chương vàng thì có đến 22 đoàn chỉ giành được 1 tấm HCV, bao gồm các quốc gia đông dân như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Ai Cập… Giành nhiều suất đến Olympic tham gia nhiều môn thi đấu vòng loại nhưng đạt thành tích còn kém hơn lúc tập luyện, thì chỉ qua vài phút thi đấu thôi là đã lên máy bay về nước. Tiêu chuẩn của các môn thể thao tại Olympic phần lớn dựa trên điểm số, thông số, không phụ thuộc vào yếu tố cảm tính của trọng tài nên thắng - thua, tốt - kém đều rõ ràng.
Vì thế, trong trường hợp TTVN không đạt mục tiêu về suất dự Olympic 2024 thì cũng không quá buồn, vấn đề là các suất ít ỏi được sang Paris thi đấu có triển vọng đoạt huy chương không, màu gì và có cơ sở nào để dự báo tương đối chính xác không? Bởi nếu không thể xác định được chi tiết đó thì việc tham dự nhiều hay ít không quá quan trọng. Đối với một đấu trường như Olympic, không thể cho rằng cứ “săn” thật nhiều suất rồi thì nỗ lực hết sức, biết đâu sẽ có huy chương. Trên thực tế, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV lịch sử tại Rio 2016, đó không phải là bất ngờ. Trước đó, anh đã vô địch cúp thế giới ở nội dung thế mạnh. Bắn súng là môn thi đấu dựa vào bản lĩnh, kinh nghiệm, sự chính xác tuyệt đối. Những yếu tố này chỉ có được bằng việc thi đấu và rèn luyện liên tục không ngừng nghỉ.
Trong khi đó, TTVN vẫn hay có thói quen đề cao yếu tố tinh thần. Ngay tại các kỳ SEA Games, nơi mà chúng ta đang là đoàn thể thao mạnh nhất, nhưng cứ sau mỗi chiến thắng thì thường đề cao yếu tố nỗ lực, tinh thần, các câu chuyện bên lề mang yếu tố cảm xúc. Điều đó không sai, song thử nghĩ ở một đấu trường nhỏ như vậy mà chúng ta không thể chiến thắng bằng chuyên môn thuần túy, vậy làm sao có thể vươn đến tầm châu lục, nói gì đến Olympic. Với SEA Games, chiến thắng là một nghĩa vụ chứ không phải là phần thưởng. Phải ở tư duy như vậy, mới tính đến chuyện đoạt vinh quang tại Á vận hội hay Thế vận hội.
TTVN cần có một cách đánh giá và định hướng mới dành riêng cho đấu trường Olympic, nơi mà để góp mặt không chỉ là yếu tố năng lực mà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng tính toán, suất đầu tư; bởi tham gia là một chuyện, thi đấu ra sao cũng rất đáng bàn, tránh lãng phí không cần thiết và phân tán mục tiêu. Đơn cử như chúng ta từng có HCB Olympic ở môn Taekwondo, rồi cũng có HCV Asiad ở môn này, nhưng sau năm 2000 đến nay lại không thể phát triển, thậm chí còn thụt lùi thành tích ở SEA Games. Hay môn cử tạ, từng có HCB ở Bắc Kinh 2008 của VĐV Hoàng Anh Tuấn, rồi cũng có 1-2 vận động viên đạt thành tích thế giới, nhưng càng về sau lại càng kém. Vấn đề là tại sao không thể duy trì được phong độ ở các môn mà chúng ta đã tiếp cận được trình độ Olympic? Trong khi đó, Philippines và Thái Lan đều đang có những nhà vô địch Olympic, thế giới ở môn cử tạ dù cũng là quốc gia Đông Nam Á.
Để đến với đấu trường Olympic, cần có đẳng cấp thực thụ. Điều đó chỉ có thông qua thi đấu, thi đấu liên tục ở các giải tiệm cận trình độ Olympic thay vì dự báo trên lý thuyết tập luyện. Đã đến lúc, nếu muốn đạt chuẩn Olympic và tiếp cận với trình độ cao châu Á, việc đầu tiên phải quyết liệt thay đổi đó là từ bỏ sự lệ thuộc vào điểm tựa tinh thần, đồng thời chăm chút một cách thực tế hơn cho phương pháp, điều kiện tập luyện của vận động viên để nâng cao bản lĩnh thi đấu và dũng cảm hơn cho việc lựa chọn đầu tư từng môn, từng cá nhân hợp lý dựa trên sự đánh giá khách quan trong tương quan trình độ Việt Nam và thế giới.