Đường dây lừa đảo 13.000 người: Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang đối diện hình phạt nào?

Phạm Thị Huyền Trang đóng vai trò là quản lý cấp cao với nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện nhân viên trong đường dây lừa đảo hơn 13.000 người, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng...

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với các đơn vị chức năng phá thành công chuyên án, triệt xóa một đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao, với các thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia với thủ đoạn giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,… sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản Ngân hàng của bị hại.

Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang. (Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh)

Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang. (Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh)

Một trong những nguyên nhân khiến người dân sập bẫy chính là những kịch bản lừa đảo hoàn hảo, bài bản được các đối tượng xây dựng rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia. Trong đó Phạm Thị Huyền Trang là đối tượng quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các Cào 1, Cào 2, Cào 3.

Theo các đối tượng cho biết thì những kịch bản này đều rất phù hợp với tình hình thực tế, những khó khăn trong giải quyết bất cập mà người dân đang gặp phải.

Bước đầu cơ quan Công an đã bắt giữ gần 60 đối tượng và làm rõ từ tháng 5/2024 đến nay các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trên cả nước.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.

Nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo. (Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh)

Nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo. (Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh)

Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 174, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm…

Phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp… thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, theo thống kê ban đầu, do số lượng nạn nhân lên tới 13.0000 người, số tiền bị chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng nên đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, đặc biệt là kẻ giữ vai trò quản lý, cầm đầu, chủ mưu có thể phải đối diện mức án cao nhất là tù chung thân.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/duong-day-lua-dao-13000-nguoi-doi-tuong-pham-thi-huyen-trang-doi-dien-hinh-phat-nao-183860.html
Zalo