Đường dây cho vay qua app lãi suất hơn 2000%/năm: Cáo trạng vạch rõ 5 phương thức đe dọa, gây áp lực của các bị cáo
Đường dây cho vay lãi nặng hơn 2.000%/năm truy thu nợ theo từng món nợ xấu. Sau đó, thành viên trong từng nhóm sẽ đòi nợ khách quá hạn bằng cách chửi bới, ghép ảnh mặt khách hàng với các hình ảnh phản cảm như khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã… rồi gửi cho khách hàng để đe dọa, gây áp lực buộc khách phải trả tiền.
Muốn vay tiền, phải cho ứng dụng quyền “lục lọi” điện thoại
TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc), Nguyễn Quang Vũ, Nghiêm Đức Giang (cùng SN 1987, cùng ngụ Hà Nội) và 132 bị cáo khác ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Trốn thuế”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Theo cáo trạng, sau khi nhập cảnh Việt Nam, Li Zhao Qiang (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc) tạo lập các app với máy chủ ở Hồng Kông (Trung Quốc) tên gọi “Cash Vn”, “Vaynhanhpro”… cho khách là người Việt Nam vay tiền với lãi suất 43.000 đồng - 60.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương mức lãi suất 1.570% - 2.190%/năm). Sau đó, Li bàn bạc và thuê Vũ cùng một số đối tượng đứng tên thành lập, quản lý, điều hành một số Cty. Đồng thời Li đưa Zhang và Liu Dan Yang (SN 1992, quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam làm việc cho mình.
Hoàn thiện đường dây xong, từ tháng 1/2019 - 24/5/2022, nhóm người trên đã thực hiện việc cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế. Theo danh sách khách hàng (data) có sẵn, hàng chục nhân viên mời chào khách vay sẽ gọi điện kêu gọi, tư vấn khách vay tiền tại các app “Cash Vn”, “Vaynhanhpro”. Nếu khách đồng ý vay tiền, sẽ được hướng dẫn tải app rồi đăng ký tạo tài khoản.
Khi truy cập app, hệ thống sẽ yêu cầu khách vay cấp quyền truy cập lấy các thông tin trong điện thoại của khách: Danh bạ điện thoại, ảnh, quản lý cuộc gọi, vị trí của điện thoại, tin nhắn điện thoại… Sau đó, khách vay sử dụng số điện thoại của mình để tạo tài khoản trong app, điền đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu: Họ tên, địa chỉ, thu nhập hàng tháng, nghề nghiệp; sử dụng app để chụp ảnh mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân (CMND), chụp ảnh khuôn mặt đang cầm CMND…
Khi khách vay cung cấp đầy đủ thông tin, bộ phận thẩm định kiểm tra xác thực thông tin bằng cách gọi điện vào số điện thoại của khách vay để xác thực các thông tin khách cung cấp. Sau khi kiểm tra, nếu đủ điều kiện và được bộ phận thẩm định duyệt cho vay, hệ thống của app sẽ tự động hiển thị số tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng, thời hạn vay từ 7 - 14 ngày để khách lựa chọn. Khi khách chọn, hệ thống của app sẽ duyệt lệnh chuyển cho các Cty thanh toán trung gian thực hiện việc chuyển tiền cho khách vay. Khách vay sẽ bị cắt trước số tiền lãi suất tùy theo mỗi khoản vay.
“Phân loại” người vay thành 5 nhóm để đòi tiền
Để đòi tiền khách vay, các đối tượng chia thành 5 nhóm. Cụ thể, nhóm M0 (quá hạn từ 1 - 3 ngày): Gọi điện trực tiếp cho khách để yêu cầu trả nợ.
Nhóm M1 (quá hạn từ 4 - 9 ngày): Gọi điện chửi bới, lăng mạ, đe dọa, yêu cầu khách hàng phải trả tiền. Đồng thời nhóm này còn gọi điện cho số điện thoại người thân của khách như bố, mẹ, vợ, chồng… có trong danh bạ điện thoại của khách vay để yêu cầu thông báo cho khách trả nợ.
Nhóm M2 (quá hạn từ 10 - 17 ngày): Dùng ảnh của khách hàng bình luận (comment) vào các bài đăng có liên quan đến tài khoản Facebook của khách kèm nội dung nhắc trả nợ. Hoặc ghép ảnh mặt khách hàng với các hình ảnh phản cảm như khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã… sau đó gửi cho khách hàng đe dọa sẽ phát tán các hình ảnh kèm thông tin của khách lên mạng xã hội, tại khu vực khách hàng đang sinh sống; nhằm bôi xấu danh dự của khách, gây áp lực buộc khách phải trả tiền.
Nhóm M3 (quá hạn từ 18 - 25 ngày) và nhóm M4 (quá hạn trên 26 ngày): Đăng ảnh cắt ghép của khách hàng lên các trang mạng xã hội, tại khu vực quanh nhà của khách hàng. Đồng thời trực tiếp đến nhà riêng của khách để đe dọa gây thương tích buộc khách hàng phải trả tiền.
Quá trình làm việc, các đối tượng làm công tác quản lý, trưởng nhóm thường xuyên gây áp lực, yêu cầu các nhân viên truy thu nợ phải làm việc có hiệu quả, đòi được nhiều tiền của khách vay nợ…
Cơ quan chức năng xác định các bị cáo trong vụ án đã cho 120.780 khách hàng vay hơn 1.607 tỷ đồng với lãi suất cao để thu lời bất chính hơn 732 tỷ đồng. Trong đó, app “Vay nhanh pro” thu lợi hơn 177 tỷ đồng; app “Cash VN” hơn 547 tỷ đồng, app “Ovy” hơn 7,5 tỷ đồng; trốn thuế gần 140 triệu đồng.
Với hành vi đòi nợ bằng cách uy hiếp, đe dọa như trên, cơ quan chức năng xác định có 31 bị hại bị cưỡng đoạt tổng số tiền hơn 218 triệu đồng.
Trong vụ án này, Vũ được Li giao quản lý, chịu trách nhiệm và điều hành mọi hoạt động cho vay và truy thu nợ, hưởng lợi 50 triệu đồng/tháng. Vũ còn là người biết và khuyến khích nhân viên thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị xác định là chủ mưu.