Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên: Bài 1: Công trình đặc biệt quan trọng
Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên là dự án trọng điểm quốc gia, sau khi hoàn thành sẽ góp phần bảo đảm cấp điện và an ninh năng lượng cho khu vực miền Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm an ninh năng lượng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Xác định tầm quan trọng của dự án, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết liệt chỉ đạo, thúc tiến độ, tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn để đưa dự án về đích đúng hạn là trước ngày 2/9 năm nay.

Công nhân làm việc tại vị trí chân móng trước khi thực hiện đổ bê tông. Ảnh: Văn Giáp/TTXVN
“Muốn tăng trưởng thì không thể thiếu năng lượng, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GDP sẽ tương ứng với khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy khi dự lễ khởi công và phát động phong trào thi đua xây dựng dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên tại Vĩnh Phúc vào sáng 16/3.
Dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên do Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án điện 1 (EVNPMB 1) quản lý dự án. Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên hệ thống điện quốc gia, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện, dự phòng nhu cầu nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án tại Quyết định số 1274/QĐ-TTg ngày 26/10/2024.
Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dự án thi công trong 6 tháng, hoàn thành chậm nhất ngày 31/8/2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại trong năm 2025, chào mừng đại hội Đảng, các cấp hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ, các nhà thầu phải tiếp tục phát huy tinh thần thi công "vượt nắng, thắng mưa", "tăng ca, tăng kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", "làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết".
Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, tích cực hỗ trợ chủ đầu tư; lãnh đạo EVN và Ban Quản lý dự án điện 1 phải bám sát công trường, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo động lực và truyền cảm hứng cho những người trên công trường.
Chính quyền 4 tỉnh và các địa phương có dự án đi qua, EVN và các bộ, ngành liên quan huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và nhân dân.
Xác định rõ tầm quan trọng, cấp thiết của dự án, Bộ Công Thương cũng đã theo dõi sát sao, tổ chức các cuộc họp với bộ ngành, địa phương về tiến độ thực hiện dự án.
Mới đây nhất, ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp về dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Để đạt được tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo hỗ trợ Chủ đầu tư trong triển khai giải phóng mặt bằng và quá trình thi công; làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực dự án đồng thuận, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho bàn giao mặt bằng cũng như thi công. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ủng hộ chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho biết, nhằm đáp ứng tiến độ khởi công công trình theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của EVN đẩy nhanh tiến độ dự án, định kỳ tổ chức các buổi làm việc với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công nhân làm ca đêm để kịp tiến độ dự án. Ảnh: Văn Giáp/TTXVN
Đây là đường dây 500 kV mạch kép có tổng chiều dài 229,5 km, với tổng số 468 vị trí móng cột. Dự án đi qua địa phận 4 tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, với điểm đầu là trạm biến áp 500 kV Lào Cai, điểm cuối là trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 7.410 tỷ đồng; trong đó, 80% được thu xếp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), vốn đối ứng của EVN là 20%.
Sau khi đưa vào vận hành, đường dây 500 kV này có khả năng truyền tải khoảng 3.000 MW từ các nhà máy thủy điện ở khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên lưới điện quốc gia và tăng khả năng nhập khẩu điện; đồng thời tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, nâng cao khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia, giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bên và cam kết đảm bảo về chất lượng, tiến độ xây dựng dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia dự án đã thỏa thuận ký kết “cam kết giao ước thi đua”.
Theo đó, Ban Quản lý dự án điện 1 khẩn trương bàn giao mặt bằng thi công; cung cấp hồ sơ thiết kế; cung cấp vật tư thiết bị; nghiệm thu thanh toán, giải ngân kịp thời; nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành theo đúng các quy định.
Tư vấn thiết kế cung cấp hồ sơ thiết kế đáp ứng chất lượng, tiến độ xây dựng; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh thiết kế trong quá trình xây dựng, lắp đặt. Còn Tư vấn giám sát bố trí đầy đủ nhân lực để giám sát, nghiệm thu công việc, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình và nghiệm thu thanh toán đáp ứng tiến độ.
Các đơn vị nhà thầu huy động đủ xe, máy, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu và bố trí đủ nguồn lực tài chính phục vụ thi công. Đồng thời, thi công xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình; an toàn vệ sinh môi trường; an toàn lao động; hoàn thành các thủ tục và lập đầy đủ các hồ sơ phục vụ nghiệm thu; đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu tiến độ đã cam kết.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên được giao quản lý địa bàn tỉnh Yên Bái và theo dõi tuyến từ Lào Cai đến Vĩnh Phúc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với các địa phương để quán triệt tính cấp bách của dự án.
Cùng đó, Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc EVN đã làm việc với các địa phương để hỗ trợ, vận động người dân thông hiểu tính cấp bách và tầm quan trọng của dự án này. “Do đó, ngoài dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã được khánh thành năm ngoái, chưa có dự án nào được triển khai tích cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng như dự án này”, ông Thành nói.
Trên tinh thần cấp bách và quan trọng đó, không quản ngại nắng mưa, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, Ban Quản lý dự án điện 1 đã yêu cầu các nhà thầu mang máy nổ lên các vị trí để tập trung thi công vào ban đêm, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Dù vậy, thi công vào ban đêm cũng có những khó khăn nhất định, nhất là đến thời điểm dựng cột, kéo dây, công nhân phải trèo cao, tầm nhìn hạn chế hơn ban ngày. Xác định được khó khăn này, EVNPMB 1 đang đôn đốc các nhà thầu khẩn trương và tập trung thi công càng nhanh càng tốt khi điều kiện thời tiết đang thuận lợi.
Theo ông Thành, đến ngày 10/4, trong tổng số 468 vị trí của toàn bộ dự án trên địa bàn 4 tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu 465 vị trí. Như vậy chỉ còn 3 vị trí; trong đó 2 vị trí ở huyện Lục Yên và vị trí 462 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có vướng mắc về đất quốc phòng.
“Hy vọng trong 1 - 2 hôm tới, bằng sự tích cực và trợ giúp của các địa phương, chúng tôi sẽ bàn giao được tất cả các vị trí thi công cho nhà thầu. Riêng địa bàn tỉnh Lào Cai là tỉnh sớm nhất có 100 vị trí đã bàn giao toàn bộ cho nhà thầu thi công”, ông Thành thông tin.
Hiện các nhà thầu đã san gạt xong mặt bằng, đào xong các hố móng để thi công cốt thép và chuẩn bị lắp bulong đổ nốt bê tông móng là hoàn thành xây dựng vị trí móng, sau đó sẽ tiến hành dựng cột.
Ban Quản lý dự án điện 1 đang huy động tối đa nhân lực có kinh nghiệm trên địa bàn 4 tỉnh, mỗi tỉnh bố trí một Ban tiền phương. Hàng ngày có cán bộ kiểm tra việc thi công của nhà thầu, cũng như đôn đốc việc mà có thể nhà thầu còn chuẩn bị triển khai, với quyết tâm hoàn thành đúc móng chậm nhất là tháng 5/2025; hoàn thành lắp dựng cột tháng 7/2025; hoàn thành kéo rải căng dây vào tháng 8/2025 và hoàn thành đóng điện công trình vào 31/8/2025.