Dương Cầm: 'Nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả'
Giấc mơ Chí Phèo của nhạc sĩ Dương Cầm cùng các cộng sự hứa hẹn là mang đến làn gió mới về nhạc kịch ở Việt Nam.
Dương Cầm là một trong những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có tiếng, được giới chuyên môn và khán đánh giá cao. Nhắc đến Dương Cầm, khán giả nhớ ngay đến những ca khúc ngọt ngào, sâu lắng như: Mong anh về, Biển và ánh trăng, Đường về khuya, Phía cuối chân trời, Giấc mơ anh và em,…
Mới đây, nhạc sĩ Dương Cầm còn lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó chính là nhà sản xuất cho vở nhạc kịch broadway đầu tiên của Việt Nam - Giấc mơ Chí Phèo. Đây là vở nhạc kịch được cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.
Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo, Dương Cầm cho biết: "Giữa rất nhiều 'món ăn' nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Từ trước đến nay, chúng ta làm nhạc kịch, tuy nhiên ở góc độ của một người làm âm nhạc tôi cho rằng những vở nhạc kịch ấy vẫn chưa đạt được yếu tố 'chuẩn broadway'.
Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế. Chúng tôi nỗ lực biến Giấc mơ Chí Phèo trở thành thương hiệu musical made in Vietnam. Nhiều hơn cả sự 'chuẩn broadway' đó là văn hóa, là sản phẩm nghệ thuật, là bản sắc của con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng người Việt ăn đồ ăn Việt là ngon nhất".
Dương Cầm muốn tái hiện một tinh thần văn học qua góc nhìn nhân văn, thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo "bình thường và thiện lương". Tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành của con người dù có bị vùi dập bởi số phận, dù trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi: "Ai cũng muốn mình là người bình thường, ai cũng muốn mình được yêu thương!".
Dương Cầm cũng tỏ ra vô cùng ăn ý với cộng sự của mình trong lần đầu kết hợp. Với kịch bản của Giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng), Dương Cầm như thăng hoa hơn trong sự sáng tạo âm nhạc của mình, anh biến chất liệu âm nhạc trở nên đắt giá.
Nói về vở nhạc kịch, Đinh Tiến Dũng bày tỏ: “Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người: nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn 'Chúng ta muốn làm người bình thường' thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người”.