Đường 7 xưa: Chiến tích làm nên hào quang một con đường lịch sử

Với chiều dài hơn 180km, Đường 7 xưa, Quốc lộ 25 nay là con đường huyền thoại mà bất cứ ai cũng có thể biết đến. Những ngày này của 50 năm trước, con đường lịch sử này đã ghi dấu ấn bởi lòng quả cảm, sức mạnh của dân tộc trong công cuộc trường chinh cứu nước, giải phóng dân tộc, mở ra một thời đại vẻ vang, bức tranh tổng thể của sự không ngừng phát triển kinh tế, xã hội, mang lại cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc cho nhân dân.

Tấp nập xe vận chuyển hàng hóa, nông sản trên Quốc lộ 25, đoạn qua huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Tấp nập xe vận chuyển hàng hóa, nông sản trên Quốc lộ 25, đoạn qua huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Từ thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngược hơn 180km lên thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nối với Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 25 được xem là trục động lực đông-tây kết nối êm thuận vùng đồng bằng ven biển với Tây Nguyên.

Nếu như 50 năm trước, địch ồ ạt tháo chạy từ Tây Nguyên, hoảng loạn giẫm đạp lên nhau thoát xuống đồng bằng qua Đường 7, vượt sông Ba qua Đường 5 để chạy về Tuy Hòa, bị quân ta đánh tan rã, tiêu diệt hoàn toàn, thì nay trên Quốc lộ 25 là những đoàn xe tấp nập nối đuôi nhau xuôi, ngược vận chuyển nông sản, nguyên liệu rừng trồng về các nhà máy được bố trí trải đều trên tuyến; giao thương hàng hóa cũng nhộn nhịp không kém, tạo sự giao thoa hài hòa, kết nối vùng cao với cảng biển.

Đáng mừng hơn là trên tuyến động lực xương sống này, các đoạn qua khu dân cư ngày càng được nâng cấp, mở rộng hơn, đẹp không khác gì phố thị đồng bằng; những khúc cua tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng đang được triển khai nắn thẳng, kết hợp với các đường xương cá nối êm thuận vào các cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làng nghề truyền thống, mở ra không gian phát triển đa lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là nông nghiệp.

Nổi bật nhất trên trục giao thông huyết mạch là những cánh đồng lúa, mía, sắn bát ngát như trải thảm; cánh rừng keo, cao-su xanh ngắt phủ kín từ đất bằng lên đỉnh núi; những “thủ phủ” cây cà-phê, bơ, sầu riêng mùa thu hoạch rộn rã các thôn xóm, bản làng. Sau 50 năm nam-bắc một nhà, các loại cây trồng chủ lực này đã làm đổi đời nhiều gia đình, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dọc chiều dài hơn 180km, một bên là núi non hùng vĩ, bên kia là dòng sông Ba uốn khúc với các công trình thủy điện, những cây cầu bắc ngang đôi bờ mang tầm thế kỷ, là những ngôi làng một thời khốn khó, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh do bè lũ bán nước và cướp nước, giờ đã thành đô thị sầm uất, cụm khu dân cư, thị tứ trù phú, những công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương đồ sộ, những nhà máy công suất lớn hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm…, vẽ nên bức tranh sống động, đa sắc màu các dân tộc, tiềm năng kinh tế rộng mở.

Phải nói điểm nhấn trong bức tranh kinh tế sau 50 năm thống nhất đất nước, sự đổi mới sống động trên Quốc lộ 25 ngày nay là đoạn qua tỉnh Phú Yên. Trên tuyến giao thông chiến lược này, huyện Sơn Hòa, vùng giáp ranh với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nơi địch bắc cầu phao vượt sông Ba, đoạn chảy qua thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà qua đường 5 để chạy về Tuy Hòa, nay được ví như từ con số 0 trở thành “thủ phủ” mía đường gắn với công nghiệp chế biến của doanh nghiệp 100% vốn Ấn Độ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam và vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk.

Đây là một trong những cây, con chủ yếu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 43 triệu đồng, tăng hơn 22 lần so với năm 1989, một con số nhảy vọt lý tưởng đối với địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đánh giá cao về thực tại và tiềm năng phát triển mỗi khi về thăm tỉnh Phú Yên. Trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã có 2 lần về thăm địa phương này vào năm 2010 (khi còn là Chủ tịch Quốc hội) và 2016.

Từ Quốc lộ 25, xe vận chuyển mía nguyên liệu về các nhà máy đường.

Từ Quốc lộ 25, xe vận chuyển mía nguyên liệu về các nhà máy đường.

Dọc hai bên cuối tuyến phía đông, giao nhau với Quốc lộ 1A, giáp với thành phố Tuy Hòa là cánh đồng lúa nước 2 vụ trù phú “cò bay mỏi cánh” của huyện Phú Hòa. Đây là một trong 2 huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Phú Yên từ năm 2016. Nhờ hệ thống thủy nông đồng cam được xây dựng từ thời Pháp, nhiều năm qua, lúa liên tục được mùa, giá cao, trung bình mỗi ha đem lại cho người dân không dưới 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Huyện Phú Hòa là vựa lúa lớn của tỉnh Phú Yên.

Huyện Phú Hòa là vựa lúa lớn của tỉnh Phú Yên.

Là quê hương anh hùng với ý chí quật cường trong chiến tranh, Phú Hòa hôm nay không chỉ làm nông nghiệp, mà còn có cả 2 cụm công nghiệp tập trung, một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và hơn 100 doanh nghiệp…, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ vậy mà đến nay, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 11 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 23 vườn mẫu nông thôn mới.

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm trên trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 25, nối liền duyên hải miền trung với Tây Nguyên và tiềm năng đặc thù, Phú Hòa được nhận định hoàn toàn có thể trở thành địa phương kiểu mẫu của Phú Yên trong phát triển nông nghiệp thông minh, kinh tế xanh, du lịch sinh thái-văn hóa, đô thị hóa bền vững và chuyển đổi số.

Nông dân huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phấn khởi thu hoạch lúa đông xuân vào ban đêm dọc Quốc lộ 25.

Nông dân huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phấn khởi thu hoạch lúa đông xuân vào ban đêm dọc Quốc lộ 25.

Hướng đến ngày 30/4 lịch sử, ký ức đường 7 xưa, giờ rợp cờ đỏ sao vàng trong niềm hân hoan đón chào chủ trương mở rộng quy mô cấp xã. Với thế mạnh đặc thù của 23 xã cũ trên toàn tuyến qua tỉnh Phú Yên, còn 6 xã khi sáp nhập, diện tích tự nhiên được mở rộng lên gần 410.000km2, quy mô dân số hơn 95.000 người, bộ mặt trên Quốc lộ 25 và hai bên dòng sông Ba thơ mộng sẽ có thêm động lực vượt trội, nền tảng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duong-7-xua-chien-tich-lam-nen-hao-quang-mot-con-duong-lich-su-post875661.html
Zalo