Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Việt Nam bước tới Kỷ nguyên mới phú cườngBài cuối: Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu tối cao của độc lập và phú cường Việt Nam

Trên nền móng độc lập, sự hùng cường là điều kiện và sức mạnh gìn giữ nền độc lập chân chính, bền vững, bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn quốc gia, bảo đảm quyền tự quyết dân tộc và nền độc lập càng trở nên triệt để và hoàn toàn.

Vì, nhân dân không thể có tự do nếu dân tộc bị lệ thuộc vào dân tộc khác hoặc đất nước bị cùm trói mình trong vòng tay nô dịch của quốc gia khác, dù dưới bất cứ hình thức nào. Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển ấy! Ở Hồ Chí Minh và thực tế Việt Nam lấp lánh tư tưởng và hiện thực quy luật ấy!

Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân

Nhìn lại thế kỷ XX và nhìn tới, nếu dân tộc Việt Nam trong nền độc lập đó, và nhìn rộng ra ở khắp các quốc gia dân tộc, dù ở châu Á tới châu Âu và trên khắp mặt địa cầu, mọi người, dù là ai, nếu không được ấm no, tự do, hạnh phúc, thì nền độc lập ấy chẳng có nghĩa gì, như lời xác quyết của Hồ Chí Minh. Đó là quy luật phát triển một cách bền vững đối với mọi quốc gia dân tộc, dù ở bất cứ đâu trên mặt hành tinh này. Từ kinh nghiệm xương máu và bài học thành bại của Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh xác quyết rằng, muốn có độc lập, không có con đường nào khác, phải “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, khi “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(7); và, đến lượt “mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do"… Và, hơn ai hết, Hồ Chí Minh tiên liệu và khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(8).

Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu

Qua gần 80 năm, lúc sinh thời, tầm nhìn Hồ Chí Minh: chỉ giải phóng hoàn toàn dân tộc khi toàn thể đồng bào trên toàn cõi nước Việt Nam được giải phóng và sự bảo đảm của một dân tộc được giải phóng chỉ khi Tổ quốc được thống nhất, còn nguyên giá trị. Đây không chỉ là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc mà còn là động lực cách mạng, làm nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước và sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc. Và, dân tộc tự lập làm nên nền độc lập bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, cởi ách nô lệ, với tự lực cánh sinh là chính; bằng cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp, để gìn giữ nền độc lập non trẻ; với phương châm dựa vào sức mình là chính, Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, kết thúc ngày 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên thống nhất Tổ quốc và đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới Tây Nam và phía Bắc nửa sau thế kỷ XX, bất chấp ngoại xâm hung bạo đến từ bất cứ phương trời nào.

Vấn đề cơ bản nhất, mấy thế hệ dân tộc hy sinh vì nền độc lập nhưng độc lập, tự do để làm gì?

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh chỉ rõ: nhân dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm. Đây chính là mục tiêu và sự phát triển của nền độc lập dân tộc thấm đẫm tinh thần tiến bộ và nhân văn; là thước đo sự kiên định, tính triệt để cách mạng về quyền con người bất khả xâm phạm gắn liền với quyền đất nước độc lập thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá Việt Nam. Đó là chân lý và khát vọng thời đại.

Vì thế, với tư cách là một đảng lãnh đạo, cầm quyền, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Và, vì thế, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”(9). Bất luận trong hoàn cảnh nào: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”(10).

Đó là triết lý chính trị cách mạng, triết lý giữ nước mà sâu hơn là triết lý xã hội, triết lý nhân sinh và triết lý về con người của Hồ Chí Minh. Đó cũng là đòi hỏi về vị thế, sức mạnh và uy tín của đất nước trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó không chỉ là niềm tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc gan góc hy sinh vì chính nghĩa, mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến ở Hồ Chí Minh.

Hơn bao giờ hết, hiện nay, tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc tròn 80 năm qua càng tỏa sáng tất cả vì con người, vì dân tộc; lấy con người làm mục tiêu của mọi sự phát triển, lấy lợi ích dân tộc làm tối cao của chúng ta… cũng chính là quy luật phát triển một cách nhân văn và tiến bộ của bất cứ quốc gia dân tộc tiến bộ nào trên thế giới. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt "mạnh được yếu thua", thậm chí mất còn giữa các quốc gia, dân tộc trên quy mô toàn cầu hiện nay, lợi ích của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của nhân dân ta là vô giá và tối thượng! Đến lượt mình, nhân dân sinh tử bảo vệ vô điều kiện lợi ích thiêng liêng của quốc gia thống nhất với lợi ích của chính mình như bảo vật cao quý nhất trong những bảo vật quốc gia bất khả xâm phạm! Đó chính là cái căn bản của tinh thần tự lực, tự cường bất diệt trải mấy nghìn năm qua, kết tinh và tỏa sáng từ Hồ Chí Minh giữa hôm nay và tương lai.

Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.

Đó cũng chính là thước đo pháp lý đạo lý về địa vị, sức mạnh, ảnh hưởng và uy tín của đất nước trên trường quốc tế trong Kỷ nguyên mới.

Nghĩa là, chúng ta phải tự mình trở nên hùng mạnh là danh dự Việt Nam.

Từ châu Mỹ Latin, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ: “Hồ Chí Minh là người thầy, cũng như Si-môn Bô-li-va và Rô-sê Mác-ti từng là những người thầy ở châu Mỹ của chúng tôi. Lý tưởng của các vị ấy đã nêu bật sự đối xứng giữa tự do và công lý, giữa phẩm giá và chủ quyền trong cuộc đấu tranh vì cách mạng giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu giải phóng xã hội và xây dựng một trật tự mới”(11).

Đó chính là phẩm giá, tư chất, bổn phận và cũng là lẽ sống chân chính của người Việt Nam, di duệ từ ngàn xưa, đã, đang, tiếp tục dồn tụ, kết tinh và tỏa sáng trong vị thế và sức mạnh Việt Nam độc lập và tự cường trong Kỷ nguyên mới!

Muốn độc lập và phú cường bền vững, phải tôn trọng và bảo vệ quyền lợi các quốc gia dân tộc khác, vì thế giới văn minh và tiến bộ

Trong thời đại ngày nay, độc lập, tự do, thống nhất là quy luật khẳng định địa vị, tư cách và sự phát triển một cách phồn vinh, nhân văn và bền vững là mục tiêu vươn tới của mọi quốc gia dân tộc, vì một thế giới hòa bình, thống nhất, văn minh và thịnh vượng.

Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển ấy!

Ở Hồ Chí Minh và Việt Nam lấp lánh tư tưởng và hiện thực quy luật ấy!

Lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, nhất là gần 100 năm nay, càng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và bằng mọi giá kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào trên con đường phát triển đất nước thịnh vượng và nhân văn…

Hồ Chí Minh kiên trì gìn giữ và phát triển một cách tự nhiên mối quan hệ khăng khít giữa độc lập dân tộc mình với tôn trọng và đấu tranh cho độc lập của các dân tộc khác; giữa độc lập dân tộc và hòa bình; giữa chủ nghĩa yêu nước thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Người nói: “Không tách rời sợi dây liên hệ với thế giới” và “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(12).

Người yêu cầu kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh nội lực và sức mạnh bên ngoài: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc... Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau”(13).

Và, Người lưu ý: “Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường” luôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng vững chắc để đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, nhưng giữ gìn “bản sắc” mà “quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”; đồng thời, không “chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”(14).

Đó là một trong "đôi cánh" của Việt Nam trên lộ trình độc lập dân tộc và hội nhập thế giới đòi hỏi tinh thần cách mạng độc lập và sự sáng tạo lớn!

Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong sứ mệnh lịch sử của mình vì một thế giới văn minh và tiến bộ. Độc lập chính là nghệ thuật hành động trong xu thế thời đại và hội nhập quốc tế một cách khôn khéo; là nắm lấy tinh thần phát triển của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết và tự do của Tổ quốc. Đó là nghệ thuật phát triển nền độc lập, tự do trong sự thống nhất nhưng đa dạng của thế giới, bảo đảm sự tự chủ và quyền tự quyết hòa nhịp trong dòng chảy tất yếu của thời đại; là phương lược bảo vệ và phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc từ sớm, từ xa, chăm lo hạnh phúc của nhân dân thật chu toàn và vững chãi.

Để bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc từ sớm, từ xa càng phải chủ động hội nhập, một cách đa dạng và tự chủ; đồng thời, tích cực cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa mọi xung đột khu vực và toàn cầu, chủ động góp phần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Và, đó là con đường sống, phát triển và thịnh vượng của dân tộc Việt Nam trong tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Đây không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống của dân tộc, đồng thời còn là mục tiêu và nguồn cổ vũ đối với các dân tộc bị áp bức, bị nô dịch trên toàn thế giới. Đây cũng chính là sự phát triển tới đỉnh cao giá trị thống nhất sức mạnh dân tộc Việt Nam hòa trong dòng chảy và sự phát triển của thời đại.

Và, đó chính là sứ mệnh cao cả bất biến của dân tộc, là thước đo và khẳng định vị thế và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam đối với Tổ quốc, vì nền độc lập tự do và phát triển mạnh mẽ và nhân văn của Tổ quốc.

Nhớ lại, tháng 3/1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, một đại biểu tới từ nước Mỹ, nói: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: “Muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”(15).

Đó cũng là tinh thần thời đại.

Hơn bất cứ lúc nào, cầu thị và hòa mục, vì thế giới chính là cho đất nước phải trở thành phẩm giá Việt Nam trong mỗi tổ chức, ở từng con người Việt Nam phải là trách nhiệm quốc gia vì và cho sự phát triển độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhịp bước cùng thế giới.

Đó chính là phẩm giá, là danh dự, là nhân văn và là cốt cách và linh hồn - nền móng phát triển dân tộc, vì Việt Nam hòa bình trong Kỷ nguyên mới thịnh vượng.

*

* *

Lịch sử Việt Nam và thế giới 100 năm qua bảo chứng: “Hồ Chí Minh là một biểu tượng vì thành công trong sự nghiệp lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của người dân, làm nên lịch sử hiện đại và là một trong những “nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại”(16).

Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, hệ giá trị đó là mạch nguồn bất diệt trong huyết quản gần 100 triệu đồng bào ta, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, làm nên gương mặt, cốt cách, khí phách, sức mạnh và uy tín của dân tộc Việt Nam trường tồn cùng giang sơn xã tắc, tự tin bước vào Kỷ nguyên mới.

Trên nền móng dân tộc, bằng sức mạnh đất nước 95 năm dưới ngọn cờ của Đảng, với tầm nhìn mới, nắm lấy thời cơ, hóa giải mọi nguy cơ, thách thức; hòa mục và hợp tác; tự tôn, tự trọng, tự giác, tự cường, đoàn kết và hành động, dân tộc bước vào Kỷ nguyên mới, nhìn tới 100 năm đất nước và 155 mùa Xuân Chủ tịch Hồ Chí Minh - năm 2045 - hiện thực Việt Nam phú cường, nhân dân hạnh phúc, góp phần xây dựng và phát triển thế giới hòa bình, văn minh, tiến bộ và nhịp bước cùng thời đại.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 445.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 320.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 56.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 572.

(11) Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chi-minh-song-mai-trong-trai-tim-nhan-loai-20138

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr. 256.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 272.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 97 - 98.

(15) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.

(16) Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế, Báo Công an nhân dân, số ra ngày 14-5-2015.

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/duoi-ngon-co-ho-chi-minh-viet-nam-buoc-toi-ky-nguyen-moi-phu-cuong-bai-cuoi-hanh-phuc-cua-nhan-dan-la-muc-tieu-toi-cao-cua-doc-lap-va-phu-cuong-viet-nam-10372867.html
Zalo