Dược sĩ Tiến vẫn giữ loạt video về kẹo rau Kera
Trong khi các hot TikToker khác như Phan Bảo Long đã có động thái xin lỗi, gỡ bài đăng, Dược sĩ Tiến vẫn bất chấp. Đến 8/4, loạt video nói về sản phẩm kẹo rau củ Kera vẫn tồn tại trên kênh của người này.
Ngày 8/4, theo ghi nhận, 14 video đề cập đến sản phẩm kẹo rau củ Kera vẫn tồn tại trên kênh của Dược sĩ Tiến. Mỗi video thu hút hàng trăm nghìn lượt tiếp cận. Dưới phần bình luận, hàng trăm bình luận chỉ trích nhắm tới Dược sĩ Tiến. Công chúng bày tỏ bức xúc khi người này không gỡ bỏ các video liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ dù cơ quan chức năng đã công bố những sai phạm liên quan đến thương hiệu này.
"Không hiểu lý do Dược sĩ Tiến bất chấp như vậy"; "Tẩy chay Dược sĩ Tiến"; "Người không có chuyên môn nói vậy còn không thể tha thứ, đây còn là dược sĩ"; "Đề nghị cơ quan vào cuộc làm rõ hành vi của Dược sĩ Tiến"... là những bình luận từ người dùng mạng xã hội.

Dược sĩ Tiến đang gây tranh cãi.
Vài ngày trước, Dược sĩ Tiến có động thái lên tiếng khi bị phản ứng. "Quan điểm của Tiến ngay từ clip đầu tiên đến giờ vẫn vậy, không bao giờ đồng tình với cái sai. Và ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, chúng ta cứ chờ kết luận từ cơ quan điều tra", anh nói.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ 7/3 - 13/3, Dược sĩ Tiến đã đăng tải tổng cộng 14 video. Trong đó, chỉ tính riêng hai ngày 7 - 8/3, người này đăng liên tục 11 video. Trung bình mỗi clip thu hút hàng trăm nghìn tới hàng triệu lượt tiếp cận.
Dược sĩ Tiến nêu quan điểm rằng sai lầm của công ty và Hoa hậu Thùy Tiên chủ yếu nằm ở cách quảng cáo.
“Điểm sai đầu tiên là đặt chất xơ làm trọng yếu. Thứ hai là dòng quảng cáo ‘khỏe đẹp tự nhiên từ chất xơ’. Đây là dòng chữ không nên xuất hiện. Trong thành phần sản phẩm có rất nhiều loại bột rau khác nhau, tỷ lệ rất cao. Bột rau chiếm trong viên kẹo tới 20 - 30%. Họ sai trong góc độ marketing, đưa tên là ‘Viên bổ sung chất xơ’, trong khi thực chất là viên bổ sung rau xanh”, Dược sĩ Tiến phân tích trong một video.
Trong một video khác, Dược sĩ Tiến giải thích lý do ăn nhiều kẹo Kera có thể bị tiêu chảy. Anh nhận định điều này là vì sản phẩm chứa inulin, một loại chất xơ hòa tan, có tác dụng hút nước và khiến người dùng đi vệ sinh nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm được Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM công bố, kẹo Kera có hơn 1/3 là chất tạo ngọt sorbitol - thành phần có tác dụng nhuận tràng và cần giới hạn lượng dùng. Tuy nhiên, chất này lại không được công bố trên nhãn.
Ngày 6/4, đại tá Trần Quốc Cường (Trưởng phòng Điều tra và thẩm định hồ sơ tố tụng, Văn phòng CSĐT điều tra Bộ Công an) đã thông tin về những sai phạm liên quan sản phẩm kẹo Kera.
Căn cứ vào tài liệu và kết quả điều tra, đến ngày 3/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự.
"Đáng lẽ, nguyên vật liệu là bột rau được thu mua từ các nông trại của các nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thì Phong lại chỉ đạo nhân viên mua sẵn bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (từ 0,61 đến 0,75%) trong khi công bố là 28%", Đại tá Trần Quốc Cường thông tin.