Dược liệu Việt Nam (DVM) lợi nhuận đi lùi Quý 3, tồn kho tăng mạnh

CTCP Dược liệu Việt Nam (DVM) ghi nhận lợi nhuận Quý 3 đi lùi dù doanh thu tăng trưởng, đồng thời tồn kho cũng có xu hướng gia tăng.

Chi phí đồng loạt gia tăng, lợi nhuận Dược liệu Việt Nam đi lùi

Trong Quý 3/2023, CTCP Dược liệu Việt Nam (Mã DVM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 341,7 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá vốn hàng bán chiếm 296,5 tỷ đồng, tăng 22%. Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 45,2 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,1% lên 13,2%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng gấp 2,4 lần, từ 680 triệu đồng lên 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay cũng tăng mạnh, từ 9,2 tỷ cùng kỳ lên 13,8 tỷ đồng.

 CTCP Dược liệu Việt Nam (DVM) ghi nhận kinh doanh đi lùi trong Quý 3 bất chấp doanh thu tăng trưởng (Ảnh TL)

CTCP Dược liệu Việt Nam (DVM) ghi nhận kinh doanh đi lùi trong Quý 3 bất chấp doanh thu tăng trưởng (Ảnh TL)

Ngoài ra, các chi phí hoạt động khác trong Quý 3 cũng gia tăng đáng kể. Chi phí bán hàng tăng gấp 2,8 lần, từ 4,8 tỷ lên 13,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 5,7 tỷ lên 7,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 30%.

Các chi phí gia tăng đã bào mòn đi gần hết lợi nhuận gộp mang về khiến lãi sau thuế của DVM chỉ còn lại 11,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.

Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của DVM đạt 953,1 tỷ đồng, tăng 11%, lợi nhuận sau thuế đạt 40,1 tỷ, giảm 6%. So sánh với mục tiêu năm 2023 thì qua 9 tháng, DVM đã hoàn thành được 76% kế hoạch doanh thu và 67% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tiền mặt sụt giảm mạnh, nợ phải trả chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản

Tính tới hết Quý 3/2023, tổng tài sản của Dược liệu Việt nam đạt 1.498,1 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh xuống chỉ còn 72,4 tỷ đồng, tương đương mức giảm 43%.

Đầu tư tài chính ngắn hạn có sự gia tăng mạnh, lên gấp 3 lần đầu kỳ, đạt 92,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng có dấu hiệu gia tăng, từ 289,5 tỷ lên 408,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 41%. Đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang tích lũy nguyên liệu sản xuất tương đối lớn cho các đơn hàng tới đây.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả có xu hướng gia tăng thêm 14%, chiếm 812,4 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn công ty. Trong đó DVM đang vay ngắn hạn 633,4 tỷ đồng, cao hơn 11% so với đầu kỳ. Ngoài ra công ty cũng đang vay nợ dài hạn 47,6 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu chiếm 685,7 tỷ đồng với vốn góp của chủ sở hữu chiếm 356,5 tỷ đồng. Công ty hiện đang tích lũy 117,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

DVM đầu tư vùng dược liệu quý với 230 tỷ đồng

Trong hoạt động kinh doanh chính, vừa qua HĐQT của CTCP Dược liệu Việt Nam cũng vừa thông qua việc hợp tác đầu tư dự án "đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 230 tỷ đồng.

Đây là dự án do CTCP Sinh học Tuyên Quang chủ trì, diện tích đầu tư 215 ha đất tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Thực tế thì CTCP Sinh học Tuyên Quang mới chỉ được thành lập từ giữa tháng 3 năm nay. Ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây gia vị, cây dược liệu, hương liệu lâu năm.

Việc thực hiện một dự án trồng dược liệu mới sẽ đòi hỏi DVM cần phải chuẩn bị một nguồn vốn dồi dào. Tuy nhiên kết quả kinh doanh Quý 3 cho thấy sự ngược lại khi áp lực chi phí gia tăng đã khiến lãi sau thuế sụt giảm, bất chấp doanh thu tăng trưởng mạnh.

Về vấn đề nguồn vốn, vào đầu tháng 10 vừa qua, DVM cũng đã dừng triển khai hồ sơ xin chào bán 18 triệu cổ phiếu ra công chúng, đồng thời phát hành 7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duoc-lieu-viet-nam-dvm-loi-nhuan-di-lui-quy-3-ton-kho-tang-manh-post269989.html
Zalo