Được giữ người trong trường hợp khẩn cấp bao lâu?
Theo luật sư, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, CQĐT phải lấy lời khai ngay và phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó.
Chiều 24-9, thông tin từ công an tỉnh Thái Bình, cho biết cơ quan CSĐT công an tỉnh Thái Bình đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Đồng Xuân Thụ (52 tuổi), Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam cùng 4 người khác thuộc tạp chí này.
Cả 5 người này đều bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra hành vi có dấu hiệu tội phạm cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS.
Từ đây nhiều bạn đọc thắc mắc: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì được giữ trong bao lâu? Khả năng các tình huống pháp lý xảy ra trong trường hợp này?
Trả lời, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: khoản 4 Điều 110 BLTTHS 2015 quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay. Và những người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng…phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Riêng đối với người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến CQĐT nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về.
Tương tự, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, CQĐT phải lấy lời khai ngay và phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho VKS cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Cạnh đó, Điều 15 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP (quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS) cũng quy định: Việc ra quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện trong thời hạn 12 giờ kể từ khi CQĐT giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của VKS). Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ra trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Như vậy, “thời hạn” giữ người trong trường hợp khẩn cấp là 12 giờ. Sau 12 giờ, có ba khả năng pháp lý xảy ra là bị tạm giữ hoặc bị ra lệnh bắt hoặc được trả tự do.
Cạnh đó, luật sư Linh cũng cho biết người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người. Tuy nhiên, họ cũng có các quyền được quy định tại Điều 58 BLTTHS 2015.
Trong đó, họ được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; được biết lý do mình bị giữ; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người...