Được dân tin yêu từ '3 bám, 4 cùng'
Đứng chân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu luôn xác định, xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận của nhân dân chung tay cùng xây dựng miền biên viễn giàu đẹp.
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu thực hiện có hiệu quả phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân và nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Trong đó, xác định tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Công tác vận động quần chúng được thực hiện theo phương châm "3 bám, 4 cùng", đó là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Các đơn vị đã triển khai xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mỗi đồn Biên phòng lựa chọn ít nhất một mô hình giúp dân phát triển kinh tế; gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Bằng nhiều cách thức và cách làm sáng tạo, hiệu quả của các đơn vị, đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nhân rộng ở các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Tiêu biểu như các mô hình: Kết hợp với nhóm hộ gia đình nuôi cá tầm, cá hồi tại các bản Dền Sung, Sàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ); chăn nuôi bò sinh sản tại bản Nhóm II (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ); trồng chanh leo tại các bản Pô Tô, Hồ Thầu, Huổi Luông 1 (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ); hợp tác xã Biên Cương bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ (xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ); nuôi lợn thương phẩm tại các bản An Tần, Pa Tần 3 (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ); nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè)... Qua các mô hình giúp dân của BĐBP đã làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân. Đồng bào biết tự chủ trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi, có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.
Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải là một trong những đồn xa nhất, đường đi khó khăn nhất của huyện Phong Thổ. Thượng tá Quàng Văn Viện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cho biết: "Với bà con các dân tộc, BĐBP phải là người đi trước, làm trước để dân bản học tập và làm theo. Trong thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng, chăn nuôi đại gia súc... Đơn vị xây dựng mô hình trồng lúa nước, nuôi cá tầm, cá hồi, chăn nuôi bò sinh sản... Đến nay, đa số các hộ dân biết tự chủ trong lao động sản xuất, chủ động làm kinh tế gia đình. Có những cán bộ Biên phòng được bà con dân bản yêu quý coi như người nhà như: Thượng úy Tẩn Đức Tính, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng; Trung tá Phù Đức Thiệp, cán bộ tăng cường xã Pa Vây Sử; Trung tá Hồ Mạnh Long, cán bộ tăng cường xã Mồ Sì San...".
Theo Thượng tá Vàng A Lầu, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng: "Xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cùng nhân dân thực hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng khoai sọ; chăn nuôi lợn, trâu, chim bồ câu sinh sản và nuôi ong. Những mô hình này đã và đang giúp nhân dân xã Ma Ly Pho thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững".
Cũng trong nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ quân và dân nơi biên giới. Tiêu biểu như: Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; hay “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” được triển khai tại 22 xã biên giới đã đỡ đầu 57 học sinh với số tiền từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng/cháu và nhận 7 cháu con nuôi đồn Biên phòng...
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy BĐBP Lai Châu giới thiệu 4 đồng chí tham gia cấp ủy 4 huyện biên giới và 22 đồng chí cán bộ tăng cường cho 22 xã biên giới. Hiện tại, có 2 đồng chí Bí thư, 7 đồng chí Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã, 9 đồng chí Phó Bí thư, 2 đồng chí tham gia Ban Chấp hành đảng bộ xã, 2 đồng chí tăng cường giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Các đồn Biên phòng đã giới thiệu 109 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại 109 chi bộ bản thuộc các xã biên giới; phân công 280 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 1.469 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Thượng tá Hà Đức Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San cho biết: Đồn quản lý 5 mốc giới và phụ trách địa bàn 3 xã: Tung Qua Lìn, Dào San, Mù Sang của huyện Phong Thổ. Đồn phân công 3 cán bộ tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư đảng ủy xã, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng củng cố hệ thống cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bằng các mô hình thiết thực như trồng dâu tây, trồng cam... Đơn vị cũng đã phân công 7 đảng viên sinh hoạt đảng tại 7 chi bộ bản; phân công 30 đồng chí phụ trách 120 hộ gia đình trên địa bàn các xã.
Nhìn chung, các đảng viên BĐBP đã phát huy tốt vai trò trong hướng dẫn, giúp đỡ chi bộ các bản triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở ngày càng được nâng lên. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, huy động nhân dân chung tay cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.