Dừng xe máy thế nào để tránh bị phạt tiền triệu

Việc dừng, đỗ xe máy sai quy định sẽ khiến người vi phạm đối diện mức phạt cao, thậm chí tăng mạnh gấp nhiều lần nếu dẫn đến tai nạn giao thông.

 Dừng xe mặc áo mưa không đúng quy định có thể bị phạt tiền triệu. Ảnh: Duy Hiệu.

Dừng xe mặc áo mưa không đúng quy định có thể bị phạt tiền triệu. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi đang lưu thông trên đường mà bất chợt gặp trời mưa lớn, người điều khiển môtô, xe 2 bánh thường có xu hướng ngay lập tức tấp xe vào lề, xuống xe để mặc áo mưa. Dễ thấy ở nhiều chân cầu vượt hay hầm chui khi trời mưa lớn, số lượng lớn xe máy dừng đỗ gây cản trở giao thông và dễ gây tai nạn.

Đây là hành động nhằm bảo vệ cơ thể khỏi bị ướt do cơn mưa, nhưng có thể khiến người điều khiển môtô, xe 2 bánh bị phạt từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu, thậm chí hơn 10 triệu đồng nếu để xảy ra tai nạn.

Có thể bị phạt cả chục triệu đồng

Cụ thể, Nghị định 168 có hiệu lực từ đầu năm nay đã thay đổi mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng.

Trong đó, hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường sẽ bị xử phạt 400.000-600.000 đồng. Tại nội dung Nghị định 123, mức phạt cho lỗi này từng dao động 300.000-400.000 đồng.

Mức xử phạt 400.000-600.000 đồng cũng được áp dụng cho hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông, hoặc dừng xe, đỗ xe ở nơi có biển cấm, trên điểm đón, trả khách, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.

 Dừng xe máy để mặc áo mưa không đúng quy định sẽ bị phạt. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Dừng xe máy để mặc áo mưa không đúng quy định sẽ bị phạt. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Đối với hành vi dừng xe, đỗ xe trên cầu, mức phạt dành cho người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm đang là 600.000-800.000 đồng. Mức phạt tăng lên từ 800.000 đến 1 triệu đồng nếu người điều khiển môtô, xe gắn máy dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

Thậm chí, điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 168 còn nêu rõ trong trường hợp dừng xe, đỗ xe không đúng quy định để gây tai nạn giao thông, người điều khiển môtô, xe gắn máy sẽ đối diện mức phạt từ 10 triệu đến 14 triệu đồng.

Ở nội dung Nghị định 100, mức phạt đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy dừng xe, đỗ xe không đúng quy định để gây tai nạn giao thông từng dao động 4-5 triệu đồng.

Dừng xe mặc áo mưa sao cho khỏi bị phạt?

Trong phần lớn trường hợp, người đi môtô, xe gắn máy sẽ dừng xe ở sát phần bó vỉa của đường mặc áo mưa. Người điều khiển xe cũng có xu hướng rời khỏi xe để lấy áo mưa, thường được mang theo trong ba lô, túi xách hoặc trong cốp dưới yên xe.

Theo Thông tư 04 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, lòng đường là bộ phận của đường đô thị, được giới hạn bởi phía trong 2 bên bó vỉa. Như vậy, người điều khiển xe 2 bánh dừng, đỗ sát bó vỉa đã thuộc khu vực của lòng đường.

 Người điều khiển môtô, xe gắn máy cần chú ý các quy định về dừng xe, đỗ xe. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Người điều khiển môtô, xe gắn máy cần chú ý các quy định về dừng xe, đỗ xe. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên nội dung điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 168 nêu rõ việc dừng xe, đỗ xe dưới lòng đường chỉ bị xử phạt 400.000-600.000 đồng nếu gây ra cản trở giao thông.

Để tránh bị phạt, người điều khiển môtô, xe 2 bánh cần chú ý quan sát trước khi dừng xe mặc áo mưa, tránh gây cản trở các phương tiện giao thông khác.

Người điều khiển môtô, xe gắn máy cũng không được dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu hay trong hầm đường bộ để mặc áo mưa.

Các hành vi này trước tiên sẽ đặt người vi phạm vào tình thế mất an toàn giao thông cho bản thân, đồng thời dẫn đến mức phạt từ 400.000 đồng đến cao nhất 1 triệu đồng theo nội dung Nghị định 168.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ 2024 cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện giao thông khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe.

Quy định này đồng nghĩa người điều khiển phương tiện phải sử dụng đèn tín hiệu trước khi ra, vào vị trí dừng xe hoặc đỗ xe.

Nội dung điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 168 quy định mức phạt 200.000-400.000 đồng với người điều khiển môtô, xe gắn máy chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước.

Việc chuyển làn để tấp vào, dừng xe mặc áo mưa cũng cần tuân theo quy định mỗi lần chuyển làn chỉ được phép chuyển sang một làn đường liền kề.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-xe-may-the-nao-de-tranh-bi-phat-tien-trieu-post1530954.html
Zalo