Dùng vàng để thanh toán có thể bị phạt tiền bao nhiêu?

Ngân hàng Nhà nước đề xuất phạt tiền từ 10 triệu đồng nếu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần...

Dự thảo lần thứ 3 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 88/2019/NĐ-CP để phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản pháp luật hiện hành; bảo đảm các hành vi vi phạm và mức xử phạt được điều chỉnh phù hợp, đủ sức răn đe, góp phần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.

Một trong những nội dung được dự thảo lần 3 đề cập là vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng.

Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước nêu mức phạt cảnh cáo với hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Nếu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất phạt tiền từ 10 triệu đồng nếu dùng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần...

Ngân hàng Nhà nước đề xuất phạt tiền từ 10 triệu đồng nếu dùng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần...

Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ những hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng khi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật. Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng khi mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Mức phạt cao nhất trong lĩnh vực vàng theo dự thảo nghị định này là từ 300-400 triệu đồng khi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định…

Hình thức xử phạt bổ sung tùy từng hành vi vi phạm có thể là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 6-9 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời hạn từ 9-12 tháng…

Liên quan đến hoạt động mua, bán vàng miếng, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 vừa có công văn gửi các cơ quan ban ngành trên địa bàn TP HCM tuyên truyền quy định kinh doanh và mua bán vàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2 nhấn mạnh thông tin người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, khuyến nghị người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, trong đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động. Đồng thời, cần thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-vang-de-thanh-toan-co-the-bi-phat-tien-bao-nhieu-196250517114609647.htm
Zalo