Dùng thuốc trong Hội chứng Dressler
Hội chứng Dressler (viêm màng ngoài tim thứ phát) là một tình trạng viêm màng ngoài tim xảy ra sau một cơn nhồi máu cơ tim hoặc sau phẫu thuật tim. Hội chứng Dressler có thể gây những biến chứng nguy hiểm như tràn dịch ngoài màng tim, chèn ép tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Mục tiêu của điều trị Hội chứng Dressler là giảm viêm, kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
NỘI DUNG:
1. Các thuốc trong điều trị Hội chứng Dressler
1.1. Thuốc chống viêm không steroid
1.2. Corticosteroid
1.3. Thuốc giảm đau
2. Lưu ý khi dùng thuốc
1. Các thuốc trong điều trị Hội chứng Dressler
1.1. Thuốc chống viêm không steroid
Tác dụng: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) liều cao đóng vai trò quan trọng trong điều trị Hội chứng Dressler. NSAID giúp giảm viêm và sưng màng ngoài tim, giảm áp lực lên tim, giảm đau, giúp kiểm soát cơn đau ngực thường gặp ở bệnh nhân Hội chứng Dressler.
Một số NSAID thường được sử dụng bao gồm ibuprofen, aspirin và indomethacin...
Tác dụng phụ: Cần sử dụng NSAID dưới sự giám sát của bác sĩ do tác dụng phụ tiềm ẩn như loét dạ dày, rối loạn chức năng thận và tăng nguy cơ tim mạch.

Hội chứng Dressler có thể gây những biến chứng nguy hiểm như tràn dịch ngoài màng tim, chèn ép tim, suy tim...
1.2. Corticosteroid
Tác dụng: Các thuốc corticosteroid được dùng trong điều trị Hội chứng Dressler khi các triệu chứng nghiêm trọng hoặc người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh, giúp giảm viêm màng ngoài tim và giảm áp lực lên tim, kiểm soát triệu chứng (như đau ngực, khó thở và sốt), đồng thời ngăn chặn tái phát Hội chứng Dressler. Tuy nhiên đây không phải là thuốc ưu tiên (hạn chế dùng) trong tháng đầu tiên do thuốc cản trở quá trình lành tổn thương của tâm thất dẫn đến tăng tỷ lệ vỡ thất.
Tác dụng phụ: Việc sử dụng corticosteroid có thể gây tác dụng phụ tiềm ẩn như tăng đường huyết, loãng xương, ức chế hệ miễn dịch, tăng cân do tích nước, yếu cơ, mờ mắt…
1.3. Thuốc giảm đau
Tác dụng: Thuốc giảm đau dùng trong điều trị Hội chứng Dressler để kiểm soát cơn đau ngực, giảm khó chịu, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau thường được sử dụng bao gồm acetaminophen hoặc opioid (trong trường hợp đau nặng).

Bệnh nhân mắc Hội chứng Dressler cần được khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tác dụng phụ: Sử dụng liều cao hoặc kéo dài acetaminophen có thể gây tổn thương gan. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng opioid bao gồm buồn nôn và nôn, táo bón, ngủ gà và giảm tỉnh táo… Sử dụng opioid kéo dài có thể dẫn đến phụ thuộc và nghiện thuốc.
2. Lưu ý khi dùng thuốc
Để điều trị Hội chứng Dressler an toàn, hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc, cần sử dụng thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ và tuân thủ hướng dẫn sử dụng: Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định, không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khám định kỳ theo lịch hẹn để được bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.
- Đảm bảo nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động quá sức.
- Có chế độ ăn uống phù hợp, giàu dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình hồi phục.
- Trong thời gian điều trị nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
10 lời khuyên của bác sĩ giúp phòng bệnh tim mạch hiệu quả.