Đừng thờ ơ với tính mạng con người

Câu chuyện Bệnh viện Đa khoa Nam Định từ chối cấp cứu một cháu bé bị tai nạn do người đưa cháu đến bệnh viện không có đủ tiền đóng tạm ứng đã gây bất bình trong dư luận xã hội. Một lần nữa, vấn đề y đức cũng như những bất cập trong hệ thống bệnh viện công trở thành đề tài được quan tâm.

Những câu chuyện tương tự như trên thật ra không hiếm. Hồi tháng 3/2025 mạng xã hội và truyền thông cũng từng đưa tin về vụ việc một cháu bé (5 tuổi) tại Vĩnh Phúc khi đến bệnh viện cấp cứu trong đêm, các y bác sĩ của một bệnh viện trên địa bàn tỉnh yêu cầu gia đình phải đóng tiền mặt, không dùng bảo hiểm y tế (BHYT) bởi đã hết giờ hành chính. Khi ấy, nhiều người cho rằng yêu cầu từ phía bệnh viện là cứng nhắc và vi phạm quy định của ngành y tế. Trong khi Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT với trẻ em dưới 6 tuổi.

Trên thực tế, còn rất nhiều bất cập trong hệ thống y tế công, cùng đó là thái độ chưa tận tình của một số nhân viên y tế đã góp phần làm gia tăng nỗi bức xúc của bệnh nhân và người nhà của họ. Nếu từng đưa bệnh nhân đi viện, nhiều người sẽ hiểu và thấu cảm với tâm trạng của người nhà bệnh nhân trong những tình huống cụ thể.

Song cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung đều có nội quy, quy định hoạt động. Chẳng có một bệnh viện nào hay một bác sĩ nào lại muốn trong ca trực của họ có biến cố xảy ra. Từ vụ việc với cháu bé 4 tuổi ở Nam Định vừa qua, nhiều người so sánh thái độ y bác sĩ ở viện công và viện tư, nhưng như vậy là sự so sánh quá khập khiễng.

Liên quan đến quy trình khám chữa bệnh, trước đó, ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn trả lời ý kiến cử tri tỉnh Quảng Nam phản ánh về việc hiện nay người dân khám, điều trị bệnh phải nộp tiền tạm ứng, có trường hợp đóng số tiền tạm ứng gấp đôi viện phí khi ra viện, nhiều người bệnh và gia đình phải vay tiền mới có thể thu xếp được khoản tạm ứng này. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong Chỉ thị 06 ngày 29/3/2016, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện "không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh".

Lâu nay các vi phạm vấn đề y đức đã được chỉ ra với các biểu hiện là: kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng công việc được giao; gây khó khăn cho bệnh nhân… Nguyên nhân có nhiều nhưng người trong ngành cho rằng là do lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nghề nghiệp phải đào tạo công phu, trách nhiệm nặng nề… Các nguyên nhân nêu lên đều đúng, nhưng suy cho cùng vẫn do phẩm chất của bản thân người thầy thuốc, của đội ngũ làm nghề y là chính bởi trong thực tế có biết bao thầy thuốc đã không bị cám dỗ của đồng tiền.

Trong số các quy định về y đức, có những yêu cầu rất rõ ràng: Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.

Vì lẽ đó, khi hành nghề khám chữa bệnh, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, người thầy thuốc cần luôn mang trong mình chữ Tâm. Chỉ một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách hay vô cảm… đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh, dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp cho thân nhân người bệnh. Sau cùng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh chiếc blouse trắng. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ để vươn mình, cần chấm dứt tình trạng đây đó còn có những y, bác sĩ, nhân viên y tế thờ ơ vô cảm với tính mạng người bệnh.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dung-tho-o-voi-tinh-mang-con-nguoi-10305138.html
Zalo