Đứng sau đoàn Việt Nam ở SEA Games, vì sao Indonesia mơ top 5 Olympic?

Thể thao Indonesia đã luôn giành được huy chương ở các kỳ Olympic trong nhiều năm qua, giờ đây, họ có mục tiêu cao hơn ở Thế vận hội.

Chuyên gia thể thao Indonesia, Djoko Pekik Irianto gần đây cho rằng cần đầu tư hơn nữa để thể thao xứ vạn đảo đạt được mục tiêu lọt Top 5 trên bảng tổng sắp Olympic 2044. Mục tiêu nói trên đã được công bố trong cuộc họp của cơ quan Thiết kế thể thao quốc gia (DBON) cách đây 2 năm.

Tham vọng ở Olympic

Xét trên bảng tổng sắp huy chương Olympic 2024, để có mặt ở vị trí thứ 5 cần ít nhất 16 huy chương vàng. Vị trí đó do chủ nhà Pháp nắm giữ. Sau khi Indonesia giành tổng cộng 3 huy chương, trong đó có 2 HCV tại Olympic 2024, ông Djoko Pekik Irianto tin rằng mục tiêu lọt Top 5 trên bảng tổng sắp không phải là điều quá mơ mộng. Djoko Pekik chỉ ra một số khía cạnh mà thể thao Indonesia cần phải tập trung để đạt mục tiêu.

Chúng ta cần cải thiện số lượng VĐV vượt qua vòng loại Olympic. Ở Thế vận hội 2012, Indonesia có 22 VĐV, Thế vận hội 2016 là 28 VĐV, còn Olympic 2020 có 28 VĐV còn kỳ Thế vận hội này có 29 người tham dự. Đây là con số đáng khích lệ”, Djoko Pekik Irianto phát biểu trên CNN Indonesia.

VĐV Veddriq Leonardo của Indonesia giành HCV môn leo núi thể thao ở Olympic 2024

VĐV Veddriq Leonardo của Indonesia giành HCV môn leo núi thể thao ở Olympic 2024

Ông Djoko Pekik Irianto nhấn mạnh thể thao Indonesia cần nỗ lực nhiều hơn ở vòng loại Olympic. Bên cạnh đó, Djoko Pekik Irianto cho rằng Indonesia cần ưu tiên các môn thể thao cá nhân có nhiều nội dung thi đấu tại Thế vận hội nếu muốn thực hiện tham vọng của mình.

Vị chuyên gia này phân tích: “Điền kinh có tổng cộng 46 nội dung thi đấu. Ngoài ra, các môn như bơi lội, bắn súng, bắn cung cũng có nhiều nội dung. Những môn đó phải được khuyến khích phát triển nhưng không thể xem nhẹ những môn khác”.

Ông Djoko cũng hy vọng các khía cạnh khác như cơ sở vật chất hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực huấn luyện và việc ứng dụng khoa học thể thao phải đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới. “Nếu chúng ta nói về VĐV đẳng cấp thế giới thì mọi nhu cầu cũng phải đẳng cấp thế giới, dù là thi đấu, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, huấn luyện viên, khoa học thể thao đều phải mang đẳng cấp thế giới”, ông Djoko lên tiếng.

Djoko tin rằng việc giành được 2 huy chương vàng ở môn cử tạ và leo núi thể thao là bước ngoặt để Indonesia tăng tổng số huy chương trong Thế vận hội tiếp theo. Theo ông, đây là bằng chứng cho thấy Indonesia có thể đạt được thành tích mà không cần dựa vào một môn thể thao thành trụ cột để giành HCV.

"Đây là động lực đáng tự hào mặc dù Indonesia chưa đạt được mục tiêu xếp hạng. 2 HCV này mở ra cơ hội của tất cả các môn thể thao mà chúng tôi thực sự có năng lực. Cử tạ và leo núi thể thao có thể làm được và điều đó có nghĩa là các môn thể thao khác cũng có thể”, ông Djoko khẳng định.

Vì sao Indonesia luôn có huy chương Olympic?

Kể từ năm 1988 trở lại đây, Indonesia luôn giành được huy chương đều đặn ở Olympic. Trong khoảng thời gian 10 kỳ Thế vận hội liên tiếp, Indonesia giành được tổng cộng 10 HCV, 14 HCB và 14 HCĐ. Trong đó, Indonesia chỉ có 2 kỳ Olympic không giành HCV vào các năm 1988 và 2012 nhưng họ vẫn có các loại HC khác.

Indonesia giành huy chương ở 10 kỳ Olympic liên tiếp

Indonesia giành huy chương ở 10 kỳ Olympic liên tiếp

Các môn thể thao giúp Indonesia giành huy chương ở Olympic là cầu lông, bắn cung, taekwondo, wushu, cử tạ và leo núi thể thao. Tuy nhiên kể từ sau Olympic 1992, Indonesia không giành huy chương ở taekwondo nữa.

Điều tương tự với bắn cung sau tấm HCB đồng đội nữ ở Seoul 1988. Năm 2008, khi wushu được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội, Indonesia có HCĐ của Susyana Tjhan và đó cũng là lần duy nhất họ gặt hái HC ở môn này tại Olympic.

Trong số 10 HCV của Indonesia ở Olympic, có tới 8 HCV nằm ở môn cầu lông. Đặc biệt, cầu lông đã giúp Indonesia có huy chương ở các kỳ Olympic 1972, 1988, 1992, 1996, 2000, 2004, 2008, 2016, 2020 và 2024.

Trong một thời gian dài, các tay vợt cầu lông của Indonesia đứng đầu thế giới nên việc họ giành nhiều HCV Olympic là điều dễ hiểu. Cần biết rằng Liên đoàn cầu lông của Indonesia ra đời vào năm 1951 và cầu lông rất phổ biến ở xứ vạn đảo. Năm 2020, The New York Times từng có bài viết với dòng tít: “Nhắc tới cầu lông là nhắc tới Indonesia”. Trong bài viết này, The New York Times liệt kê có 800 CLB cầu lông trải khắc xứ vạn đảo. Có thể nói trong nhiều năm, cầu lông chính là môn trụ cột của Indonesia ở Olympic.

Tuy nhiên để vươn tầm ở Olympic, Indonesia hiểu rằng họ cần phát triển những môn thể thao khác. Ở Olympic 2012, khi không có huy chương ở cầu lông, Indonesia vẫn có 3 huy chương cử tạ của Citra Febrianti, Triyatno và Eko Yuli Irawan. Trên thực tế, kể từ năm 2000, cử tạ đã liên tục mang huy chương Olympic về cho Indonesia và tới Paris 2024 thì họ rốt cuộc có HCV đầu tiên ở môn này.

VĐV Rizki Juniansyah của Indonesia giành HCV cử tạ ở Paris 2024

VĐV Rizki Juniansyah của Indonesia giành HCV cử tạ ở Paris 2024

Gần đây, sau khi VĐV Rizki Juniansyah giành HCV cử tạ ở Paris 2024 hạng cân 73 kg, chủ tịch Liên đoàn cử tạ của Indonesia, Rosan Roeslani cho biết bí quyết giúp họ có HCV là do trung tâm huấn luyện của cử tạ xứ vạn đảo hoạt động quanh năm chứ không phải chỉ đến khi sắp có giải đấu.

"Những gì chúng tôi làm là đào tạo liên tục, lâu dài cho các VĐV. Mặc dù lúc đầu còn có tranh cãi nhưng chúng tôi đã làm được. Hơn nữa chúng tôi chú trọng vào việc đào tạo cho các VĐV trẻ. Họ chiếm tới 60%”, Rosan nói với CNN Indonesia TV. Đây chính là nguyên nhân giúp Indonesia liên tục ra lò những VĐV hàng đầu ở cử tạ trong mỗi giai đoạn khác nhau. Rizki Juniansyah giành HCV ở Paris khi mới 21 tuổi.

"Tại sao lại chú trọng đào tạo VĐV trẻ nhiều hơn ư? Để tạo ra sự tiếp nối. Tất cả các vận động viên và huấn luyện viên phải tham gia. Nếu có những người không tham gia, chúng tôi sẽ loại bỏ họ. Chúng tôi nghiêm khắc ngay từ đầu, nếu có người không tham gia, dù là vận động viên Olympic cũng sẽ bị loại. Chúng tôi cũng không có ngoại lệ”, ông Rosan Roeslani nhấn mạnh.

Với môn leo núi thể thao, Indonesia có tấm HCV ở Paris 2024 của Veddriq Leonardo. Trên thực tế, đây là môn thể thao phổ biến ở Indonesia. Bản thân Veddriq Leonardo lần đầu tiên thi đấu môn này vào năm 2014 ở Riau. Khi đó, Veddriq Leonardo xếp trong Top 8.

Leo núi thể thao lần đầu đưa vào Thế vận hội ở Tokyo 2020 và sau đó tiếp tục góp mặt tại Paris 2024. Trong khi ở nhiều nơi, môn thể thao này tương đối mới thì tại Indonesia, Liên đoàn leo núi thể thao (FPTI) đã ra đời vào năm 1988. Ở ASIAD 2018, khi môn này được đưa vào thi đấu, Indonesia giành 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Các VĐV của Indonesia giành HCV tại Olympic

Các VĐV của Indonesia giành HCV tại Olympic

Khả năng của các VĐV Indonesia ở môn leo núi thể thao còn được thể hiện ở giải vô địch thế giới IFSC 2022 khi họ giành 4 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ. Veddriq Leonardo đứng đầu ở nội dung tốc độ nam giải này.

Đằng sau thành công của Indonesia ở các kỳ Olympic là chiến lược, lộ trình mà các lãnh đạo thể thao của họ đã dày công xây dựng. Trang Indonesiabaik cho biết: “Chiến lược chuẩn bị lộ trình nâng cao thành tích thể thao đã được Bộ Thanh niên và Thể thao cùng với Bappenas (Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia) xây dựng vào cuối năm 2019. Một số ngành thể thao phải được ưu tiên phân bổ ngân sách. Thử thách đặt ra cho các ngành thể thao khác chưa được ưu tiên là phải chứng tỏ mình đạt được thành tích đẳng cấp thế giới để đuổi kịp các ngành thể thao khác”.

Khi Olympic 2024 kết thúc, Indonesia đã rục rịch chuẩn bị cho kỳ thế vận hội kế tiếp. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia Dito Ariotedjo đã yêu cầu Liên đoàn cầu lông Indonesia (PP PBSI) do phải chuẩn bị ngay lộ trình hướng tới Thế vận hội Los Angeles 2028 sau khi họ chỉ có HCĐ môn cầu lông ở Paris 2024.

Ông Dito Ariotedjo cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ 100% cho cầu lông Indonesia và cũng kêu gọi khu vực tư nhân chung tay. Dù còn 4 năm nữa mới đến Thế vận hội ở Los Angeles nhưng thể thao Indonesia đã bắt đầu vạch chiến lược để tìm kiếm huy chương, đặc biệt là HCV.

Sơn Tùng

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dung-sau-doan-viet-nam-o-sea-games-vi-sao-indonesia-mo-top-5-olympic-ar889201.html
Zalo