'Đúng – sai' trong làm từ thiện

Các hoạt động từ thiện hay thiện nguyện của mỗi cá nhân, tập thể là một hành động đẹp, có ý nghĩa cao cả, mang lại lợi ích cho những người yếu thế cần giúp đỡ. Nhưng những 'ồn ào' về từ thiện gần đây khiến tôi cảm thấy từ ranh giới của sự 'đúng' và 'sai' của việc làm thiện nguyện thật mong manh.

Các hoạt động từ thiện hay thiện nguyện của mỗi cá nhân, tập thể là một hành động đẹp, có ý nghĩa cao cả, mang lại lợi ích cho những người yếu thế cần giúp đỡ. Ảnh: TL

Các hoạt động từ thiện hay thiện nguyện của mỗi cá nhân, tập thể là một hành động đẹp, có ý nghĩa cao cả, mang lại lợi ích cho những người yếu thế cần giúp đỡ. Ảnh: TL

Vừa rồi, qua thông tin báo chí, một TikToker đã kêu gọi quyên góp từ thiện cho một bé bị bệnh hiểm nghèo với số tiền lên đến hơn 16 tỉ đồng… Người mẹ của bé bị bệnh được cho là đã dùng tiền quyên góp đó để mua nhà, mua đất, mua xe, tiêu xài cá nhân… chứ không phải dành riêng cho việc điều trị bệnh cho con. Thông tin về trường hợp này lan ra khiến cộng đồng mạng xã hội chú ý, bởi không phải lần đầu thiện nguyện nhuốm vào nhem nhuốc. Trước đó, đã có không ít các trường hợp người nổi tiếng đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng thực hiện không đúng cam kết, làm mất niềm tin trong cộng đồng, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gây ra những tâm lý tiêu cực trong xã hội.

Ai đã từng có người thân không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo đang chữa trị tại các bệnh viện, mới thấy hết khó khăn của chính mình, và hơn hết là của những bệnh nhân nghèo khó, họ nhận cơm từ thiện ăn qua bữa để chắt chiu từng đồng tiền mua thuốc chữa bệnh. Tôi biết ở bệnh viện cũng có các quỹ từ thiện, bếp ăn thiện nguyện dành cho bệnh nhân và người nuôi bệnh gặp khó. Nên thay vì góp vào giúp một bệnh nhân như nói trên cũng có thể đóng góp vào quỹ từ thiện bởi bệnh nhân nghèo nào cũng cần giúp đỡ, hơn hết ở bệnh viện và các nhân viên y tế ở đây mới có thể “đong đếm” các liệu trình và số tiền chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tôi nhớ dạo sạt lở đất ở Lào Cai, có những nạn nhân của vụ sạt lở đã từ chối nhận thêm tiền ủng hộ, vì họ đã thấy đủ để sửa lại căn nhà làm nơi thờ tự người thân bị mất, trong khi bản thân họ thì bị thương vẫn đang nằm ở bệnh viện chữa trị. Đồng tiền quý thật, nhưng lòng tự trọng của họ còn quý hơn.

Còn có một số nghệ sĩ một thời vang danh, lúc ở đỉnh cao danh vọng đã tiêu xài phung phí, khi về già thì thở than kêu khổ nhờ mạnh thường quân giúp đỡ, nhưng hình như họ thấy việc xin tiền thật dễ dàng, thế nên những đồng tiền ấy không mấy được họ trân trọng, thỏa sức xài, đến khi hết lại kể lể, khóc than. Ai cũng có những sai lầm và dẫn đến khó khăn, nhưng đừng xem tiền và lòng trắc ẩn của người khác khi giúp mình là điều đương nhiên.

Vụ ồn ào 16 tỉ đồng ở đầu bài cũng khiến tôi nghĩ tới ranh giới mong manh của “đúng - sai” trong làm từ thiện. “Đúng” là khi nghĩ mình giúp người không vụ lợi, với mong muốn người được giúp đỡ sẽ vượt qua được những khó khăn mà họ đang gặp phải. Nhưng khi nghe rằng người được giúp đã dùng tiền đó vào nhiều việc khác không phải cho việc xin giúp đỡ ban đầu… việc góp tiền thiện nguyện bỗng không còn đúng nữa mà là đã sai. Drama nổ ra và kéo dài có thể cũng không phải là drama từ thiện cuối cùng.

Những người làm từ thiện cũng nhiều bất bình, phẫn nộ và đắn đo nhưng cũng không vì điều này mà thôi không làm từ thiện nữa. Chỉ là họ sẽ tỉnh táo hơn khi làm từ thiện, đặt những đồng tiền mà mình cũng vất vả làm ra vào đúng nơi cần gửi gắm, để những điều “đúng” sẽ được lan tỏa. Mong là như vậy.

Ngọc Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-sai-trong-lam-tu-thien/
Zalo