Dùng radio để phát hiện tàu địch, chuyện giờ mới kể

Vốn là một giảng viên của trường Đại học Hàng hải, nhưng khi đất nước bước vào giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ, chàng thanh niên Lê Xuân Khảm cùng nhiều đồng nghiệp của mình đã trích máu tay ký vào đơn nhập ngũ.

Sau 2 chuyến tàu đi trinh sát quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông đã được điều động sang tàu mang số hiệu C69, thuộc Đoàn tàu Không số, thực hiện vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam vào đầu năm 1966.

Con tàu đã bị tàu địch đeo bám và lạc đường, nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ hải quân và sự đùm bọc của nhân dân, đoàn tàu vẫn bảo toàn được toàn bộ vũ khí. Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Cựu chiến binh Lê Xuân Khảm, người duy nhất sống sót trên con tàu C69.

Cựu chiến binh Lê Xuân Khảm

Cựu chiến binh Lê Xuân Khảm

PV: Thưa bác, trong các chuyến vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, chuyến đi nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bác?

Cựu chiến binh Lê Xuân Khảm: Chúng tôi đi ngày 15/4/1966, một tàu Trung Quốc rất lớn dẫn chúng tôi đi theo tuyến đường của tàu cá Đài Loan, đi từ Đài Loan đi về phía Nam.

Thế nhưng, khi tàu đến gần ngang Đà Nẵng thì bị Khu trục hạm Mỹ bám theo quyết liệt. Đêm nào, tàu cũng báo động. Bởi vì, ban ngày thì tàu hải quân Mỹ lùi ra xa.

Chúng tôi chỉ biết được địch đang bám mình là nhờ có radio, vì trên tàu không có máy móc gì ngoài radio nghe Đài Hà Nội. Đặc điểm là, khi mà radar của tàu địch quạt đúng vào radio của mình, thì nghe “xào”, chúng tôi dùng radio quay bắt đúng vào cái hướng radar của địch, nhằm phát hiện vị trí tàu địch. Các tàu buôn cũng có radar nhưng tàu di chuyển, góc độ thay đổi, còn riêng tàu Mỹ bám mình, radar vẫn giữ ở góc độ đó. Cho nên, biết chính xác đây là tàu Mỹ đang bám mình.

Ban ngày, chúng tôi có thể phát hiện địch trên radio nghe đài đấy thôi. Thế nhưng, ban đêm địch đến gần bờ để đeo bám mình. Đêm nào cũng báo động, đêm nào Chi bộ cũng họp 2-3 lần căng thẳng, nhưng rồi cuối cùng, thuyền trưởng ra quyết tâm là bằng giá nào cũng vào bờ, cho nên, hạn chế báo cáo hình địch về nhà.

Những con tàu khi đến vùng biển nào thì cải trang thành tàu đánh cá hoặc tàu buôn, mang số tàu phù hợp với vùng miền, địa phương đó

Những con tàu khi đến vùng biển nào thì cải trang thành tàu đánh cá hoặc tàu buôn, mang số tàu phù hợp với vùng miền, địa phương đó

Để lừa địch, chúng tôi đặt hướng tàu sẽ đi hướng sang vịnh Thái Lan nhưng cố gắng bám tương đối gần mũi Cà Mau để khi có thời cơ, sẽ vào bờ. Chập tối ngày 23/4/1966, khi tàu chúng tôi đi qua gần mũi Cà Mau đã phát hiện, rất nhiều thuyền đánh cá ra khơi rất đông phía mũi Cà Mau, đèn thuyền đánh cá rất nhiều. Đây là thời cơ hiếm có, tàu quyết định tăng tốc độ và chuyển hướng vào khu vực ngư trường đánh cá của dân. Mặc dù, địch cũng phát hiện chúng tôi chạy vào đấy nhưng mà lạc mục tiêu vì tàu chúng tôi không thắp đèn, còn xung quanh, tàu của người dân thắp đèn như sao xa. Địch theo dõi chúng tôi bằng radar, khi nhìn trên radar, tàu chúng tôi hay tàu đánh cá chỉ là những chấm sáng, cho nên là địch không phát hiện được.

Chúng tôi cũng không thể bám ngư trường của dân mãi được mà cần phải vào bờ. Khi chúng tôi tách ngư trường ra để vào bờ, địch đã phát hiện được và bám theo, nhưng chúng tôi đã vào quá gần bờ rồi.

Các chuyến tàu khi đi vào mũi Cà Mau, luôn luôn phải đi theo hướng của ngọn hải đăng ở Côn Đảo, sau đó đi theo đèn hải đăng ở đảo Hòn Khoai, mũi Cà Mau. Khi tàu của chúng tôi đến khu vực đấy, địch tắt cả 2 ngọn hải đăng, khiến chúng tôi bị mất hướng. Trong khi, trên tàu không có máy móc gì cả, chỉ có mỗi một cái ống nhòm và một thước đo góc để xác định vị trí tàu cho nên chúng tôi bị lạc, không vào đúng được vùng Vàm Lũng, Cà Mau.

PV: Vâng, vậy lúc đó, với con tàu chở hàng chục tấn vũ khí, các bác đã làm thế nào để tránh sự truy quét của địch?

Cựu chiến binh Lê Xuân Khảm: Chúng tôi đi tìm suốt dọc bờ biển nhưng không phát hiện được cửa vào, cũng không phát hiện được lực lượng trong bờ người ta đón. Mãi đến gần sáng, chúng tôi phát hiện có một tốp người dân đánh cá ở gần bờ biển. Khi chúng tôi đến gần, người ta nổ máy, người ta chạy vào bờ, chúng tôi xác định là chắc chắn phải có cái cửa biển và chúng tôi bám theo. Khi chúng tôi vào bám gần vào bờ, thì bị du kích bắn chúng tôi tơi bời.

Khi nhìn thấy là súng bắn lòe lửa, tôi đã báo cáo với thuyền trưởng, chắc chắn đây là súng bá đỏ, (một loạt súng của du kích miền Nam, khi bắn có chùm lửa ở ngoài nòng súng. Súng bá đỏ chính là súng K 44 của Hồng quân Liên Xô, của kỵ binh hồng quân Liên Xô, súng để bắn chết ngựa) và khẳng định, những người trong chắc chắn đây là du kích, cho nên chúng tôi vẫn cứ tiếp tục bám vào bờ và gọi lớn. Người ta đã nghi ngờ đây là tàu miền Bắc cho nên người ta thôi không bắn nữa. Chúng tôi đi vào gần bờ và hai bên nói chuyện được với nhau. Chúng tôi chỉ nói là đi làm ăn, bị lạc, bị tàu Mỹ đuổi nên xin giúp chúng tôi đi vào trong bờ chạy trốn. Chúng tôi vào gần bờ, 2 bên nói chuyện với nhau nhưng người ta vẫn không tin, yêu cầu phải cho 2 người bơi vào để làm con tin, thì người ta sẽ cho một người bơi ra để dẫn tàu vào.

Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759

Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759

Chúng tôi cho hai đồng chí bơi vào bờ, một người bơi trở ra để dẫn anh thanh niên trong bờ bơi ra, còn một anh lại làm con tin. Anh thanh niên đó đã dẫn tàu chúng tôi lọt vào cửa sông thì trời phía sau là hừng sáng, rất may. Nước đang giật mạnh, xuống mạnh rồi. Chính nhờ anh thanh niên đó quả cảm bơi ra rồi dẫn tàu của chúng tôi mới vào được. Tôi vẫn cứ ấy náy suốt mấy chục năm nay, vẫn chưa biết anh đấy là tên là gì, chỉ biết là anh thanh niên lúc đấy cũng còn trẻ và chính nhờ anh ta đã giúp chúng tôi đưa con tàu vào trong sông.

Khi vào trong sông, trong bờ người ta đã kịp thời báo cho lãnh đạo địa phương của ấp Vinh Hoa, xã Nguyễn Quân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tàu được cập ngay lạch cửa nhà ông Bảy Điền. Khi con tàu vào sông, trông rất lừng lững, rực sáng, người dân vô cùng sợ. Nhưng khi người dân biết đây là con tàu miền Bắc thì toàn bộ người già, trẻ, trai, gái tập trung lại.

Các ông già, bà già đôn đốc nam nữ thanh niên tập trung cùng với chúng tôi đi đốn cây rừng về để ngụy trang cho con tàu. Ngụy trang cho con tàu không phải đơn giản, tàu của chúng tôi giả dạng thành tàu nghiên cứu nghề cá, như là nghiên cứu khoa học nên rất đẹp. Con tàu dài 30m, rộng 5m, cao 7m, cabin tàu rất cao và sơn trắng.

Ngụy trang con tàu như thế là việc không đơn giản nhưng nhờ sức dân, vừa là dân biển và dân rừng nên người ta tập trung làm rất nhanh. Người ta đốn nguyên cả cây rừng dựng lên, bịt cửa con rạch để tàu đậu.

Làm như vậy xấp xỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ thì cơ bản đã ngụy trang được xong. Thật may lúc đó có máy bay trinh sát bay dọc bờ biển quan sát. Vừa ngụy trang xong, nên máy bay trinh sát bay qua nên đã không phát hiện ra con tàu của chúng tôi. Từ đó trở đi, người dân tập trung lại vô cùng đông, cả một khúc sông dày đặc thuyền, xuồng để chiêm ngưỡng một con tàu miền Bắc, rất to, rất đẹp. Chúng tôi liên lạc với chính quyền địa phương để tìm cách liên lạc với bến Vàm Lũng.

PV: Vâng. Xin cảm ơn những chia sẻ của bác!

Hải Hà/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dung-radio-de-phat-hien-tau-dich-chuyen-gio-moi-ke-post1192614.vov
Zalo