Đừng nghĩ cúm mùa là bệnh thông thường, không nguy hiểm
Nhiều người vẫn nghĩ cúm mùa là bệnh thông thường không nguy hiểm, nhưng thực tế tại các bệnh viện lại cho thấy, rất nhiều ca nặng phải nhập viện – hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh lý nền.
Cúm mùa là bệnh khá phổ biến, thường có xu hướng lan rộng vào mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên, theo thông tin từ PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, năm nay cúm mùa đã không còn theo mùa.
"Mọi năm cúm thường xuất hiện vào mùa thu đông, đông xuân, nhưng riêng năm nay ghi nhận số ca cúm vào cả trong mùa hè, không theo quy luật nào, từ đầu năm đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận hơn 1400 ca mắc" - theo PGS.TS Đỗ Duy Cường.
Đặc biệt, nhiều người vẫn nghĩ cúm mùa là bệnh thông thường không nguy hiểm, nhưng thực tế tại các bệnh viện lại cho thấy, rất nhiều ca nặng phải nhập viện – hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh lý nền.
Bà Trương Thị Tâm, 69 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm bị áp xe cơ thắt lưng-chậu, phải nhập viện điều trị ở khoa Cơ khớp Bệnh viện Bạch Mai. 2 ngày sau khi nằm viện, bà Tâm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: sốt, ho, đau nhức khắp cơ thể. Vài ngày sau vẫn không hết sốt, cơn ho, khó thở ngày càng nhiều hơn, bác sĩ đã cho bà làm xét nghiệm cúm, kết quả bà nhiễm cúm A và được chuyển sang Trung tâm bệnh nhiệt đới điều trị.
Bà Tâm có tiền sử bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi mắc cúm những cơn ho càng làm phế quản bị co thắt khiến bà luôn trong tình trạng khó thở.
Ông Phạm Văn Thu, 58 tuổi ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cũng là 1 trong số bệnh nhân cúm điều trị tại Trung tâm. Ông Thu được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng khó thở, phải thở oxy. Anh Phạm Văn Trung - con trai ông cho biết, trước khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình ông bị ho, sốt. Tuy nhiên sau khi khám và làm các xét nghiệm, cả gia đình đều bất ngờ vì ông được phát hiện ra mắc nhiều bệnh cùng lúc.
"Bố em mới phát hiện ra cả tiểu đường, xơ gan, test ra cúm A, điều trị cúm được 4 ngày rồi hiện vẫn sốt, ho chưa dứt, tức ngực khó thở..." - anh Trung nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, với những trường hợp mắc nhiều bệnh lý nền như ông Thu, đáng ngại nhất là biến chứng viêm phổi nặng, có thể dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng.
"Viêm phổi nặng của bệnh nhân có thể là khởi động của nhiễm virus cúm gây ra, sau đấy nhiễm thêm vi khuẩn khác nữa đó là điều kiện thuận lợi, trên bệnh nền nữa thì đó là yếu tố tăng nặng cho người bệnh, tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác như bội nhiễm vi khuẩn kèm theo như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nặng hơn dẫn đến suy hô hấp hoặc suy đa tạng..." - bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang phân tích.
Cũng theo bác sĩ Thu Trang, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, nguy cơ phải nhập viện khi mắc cúm ở những người có bệnh nền cao hơn người khỏe mạnh. Đặc biệt, với bệnh nhân tim mạch có liên quan đến nhồi máu cơ tim trong trường hợp đồng nhiễm virus cúm.
Từ thực tế điều trị cho những bệnh nhân nặng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, PGS.TS Đỗ Duy Cường đặc biệt lưu ý mọi người dân trong cộng đồng: cúm là bệnh rất nguy hiểm, có thể lây lan thành đại dịch, gây tử vong. Ai cũng có thể mắc, tuy nhiên tuổi càng cao nguy cơ bị các biến chứng do cúm càng tăng.
"Những người có bệnh nền, người bị giảm miễn dịch... khi mắc cúm bệnh thường dễ trở nặng và nguy cơ tử vong cao... Để phòng bệnh quan trọng nhất là hàng năm phải tiêm vắc xin" - PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin thêm, tới đây Bệnh viện Bạch Mai sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn và tiêm chủng vắc xin, sẽ tổ chức tư vấn và tiêm vắc xin phòng cúm cho các bệnh nhân nằm điều trị nội trú trước khi ra viện, với mục tiêu giúp giảm các biến chứng nặng do cúm gây ra, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người cao tuổi, ở những bệnh nhân có bệnh lý nền.