Dùng máy quang phổ hồng ngoại FTIR để phân tích sỏi tiết niệu

Máy quang phổ hồng ngoại FTIR sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phân tích sự hấp thụ và truyền qua mẫu vật. Mỗi thành phần hóa học trong sỏi có 'dấu vân tay quang phổ' độc đáo, cho phép nhận diện chính xác cấu trúc và thành phần sỏi.

Ngày 15.1, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cho biết vừa đưa vào vận hành máy quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) phân tích thành phần sỏi tiết niệu - tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán lâm sàng. Đây là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy quang phổ hồng ngoại FTIR để phân tích sỏi tiết niệu.

Máy quang phổ hồng ngoại FTIR được đưa vào ứng dụng để phân tích sỏi tiết niệu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Ảnh: BVCC

Máy quang phổ hồng ngoại FTIR được đưa vào ứng dụng để phân tích sỏi tiết niệu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Ảnh: BVCC

Theo BSCK2 Nguyễn Vĩnh Bình - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, hiện có nhiều phương pháp phân tích thành phần sỏi, tuy nhiên đa phần chỉ định tính khái quát và độ chính xác thấp, không có khả năng phát hiện một số thành phần sỏi hiếm gặp như sỏi purine hoặc những loại sỏi liên quan đến thuốc.

Máy phân tích thành phần sỏi bằng quang phổ hồng ngoại FTIR đã thực hiện tốt việc phân tích sỏi và khắc phục được những khuyết điểm nêu trên của các phương pháp phân tích thành phần sỏi khác, trở thành phương pháp phân tích thành phần sỏi trong điều trị sỏi hệ tiết niệu được các hướng dẫn điều trị của Hội Niệu khoa châu Âu khuyến cáo sử dụng.

“Máy quang phổ hồng ngoại FTIR sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phân tích sự hấp thụ và truyền qua mẫu vật. Mỗi thành phần hóa học trong sỏi có “dấu vân tay quang phổ” độc đáo, cho phép nhận diện chính xác cấu trúc và thành phần sỏi. Công nghệ FTIR sở hữu những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác như: độ chính xác cao, hiện đại, thời gian phân tích nhanh, không phá hủy mẫu… Đặc biệt, máy quang phổ hồng ngoại FTIR có khả năng phát hiện được những thành phần sỏi hiếm gặp như: sỏi purine, hợp chất hiếm (cystine hoặc struvite) giúp chẩn đoán chính xác ngay cả các trường hợp phức tạp”, bác sĩ Bình cho biết.

Chia sẻ về ứng dụng máy quang phổ hồng ngoại FTIR trong điều trị sỏi tiết niệu, bác sĩ Bình cho biết, việc phân tích thành phần sỏi có vai trò rất lớn trong công tác điều trị sỏi, giúp bác sĩ đưa ra chiến lược ngăn ngừa sỏi tái phát. Ứng dụng FTIR trong điều trị sỏi tiết niệu còn giúp làm giảm chi phí điều trị lâu dài cho bệnh nhân nhờ chẩn đoán chính xác ngay từ đầu. Phương pháp này hiện đang được sử dụng tại các quốc gia châu Âu và Mỹ.

“Việc nắm bắt chính xác thành phần sỏi là yếu tố quan trọng trong việc điều trị sỏi, giúp bác sĩ gợi ý được các nguyên nhân hình thành sỏi cũng như môi trường mà sỏi sẽ hình thành. Điều này giúp các bác sĩ đưa ra chế độ ăn cho người bệnh phù hợp theo thành phần sỏi và cải thiện các yếu tố môi trường giúp ngăn ngừa hình thành sỏi, có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tái phát sỏi về sau”, bác sĩ Bình nói.

Được biết, hiện nay máy quang phổ hồng ngoại FTIR được triển khai tại hầu hết các hệ thống bệnh viện lớn trên thế giới, điển hình như Mayo Clinic, Cleveland Clinic. Các nước phát triển và đang phát triển ngày càng tích hợp FTIR để tối ưu hóa điều trị bệnh sỏi tiết niệu. Hiện các trung tâm điều trị trong cả nước vẫn chưa được trang bị máy phân tích thành phần sỏi đúng khuyến cáo do giá thành máy khá cao.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dung-may-quang-pho-hong-ngoai-ftir-de-phan-tich-soi-tiet-nieu-228305.html
Zalo