Đứng lên từ tâm lũ
Nước lũ đã nhiều lần nhấn chìm nhà cửa, phá hoại mùa màng, đảo lộn cuộc sống bình yên của người dân Tông Cọ. Nhưng, vượt lên tất cả, tinh thần đoàn kết, kiên cường và những điểm tựa đặc biệt đã và đang giúp bà con nơi đây vực dậy, đứng lên từ tâm lũ, chữa lành những vết thương sau thiên tai.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3, cùng với nhiều địa phương miền núi Tây Bắc, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã phải gánh chịu những trận lũ lụt lịch sử. Trong những ngày từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, nước lũ đã nhiều lần nhấn chìm nhà cửa, phá hoại mùa màng, đảo lộn cuộc sống bình yên của người dân Tông Cọ. Nhưng, vượt lên tất cả, tinh thần đoàn kết, kiên cường và những điểm tựa đặc biệt đã và đang giúp bà con nơi đây vực dậy, đứng lên từ tâm lũ, chữa lành những vết thương sau thiên tai.
Ký ức ngày nước dâng
Mưa lớn từ ngày 23/7 và kéo dài suốt nhiều ngày sau đó đã khiến nước lũ dâng cao, cuốn trôi những gì có giá trị nhất đối với người dân các bản làng xã Tông Cọ. Ký ức ngày cả bản chìm trong biển nước vẫn hằn in trên mảnh đất này...
"Thời điểm đó nước dâng quá nhanh, tài sản cứ chuyển dần lên nóc, nhưng nước dâng kịch nóc thì không biết làm thế nào nữa, chỉ kịp thoát người thôi. Chăn đệm, quần áo, đàn gà trôi hết...", anh Quàng Văn Trường, bản Phé, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, Sơn La nhớ lại.
Nhiều ngày dầm mình trong mưa lũ cứu giúp dân, thiếu tá Lò Văn Nam, trưởng Công an xã Tông Cọ kể: Nước ngập rất nhanh, công an xã huy động lực lượng, giúp dân sơ tán tài sản và huy động tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trực 100% ở địa bàn ngập úng. Lực lượng rất mỏng nhưng chúng tôi không ngại khó, cố gắng đưa dân ra khỏi vùng lụt, nhất là người già trẻ em, phải huy động xuồng với các lực lượng khác để đảm bảo an toàn.
"Với tình hình diễn biến mưa lũ nhanh như vậy, lãnh đạo UBND huyện chúng tôi cũng trực tiếp xuống địa bàn cùng xã chỉ đạo để có phương án nhanh và kịp thời nhất. Từ sáng đến 19h tối chúng tôi mới thực hiện xong việc di chuyển cho bà con." - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu ông Hà Trung Thắng cho biết.
Phương châm “4 tại chỗ” và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành đã giúp Tông Cọ bảo đảm tính mạng cho toàn bộ nhân dân vùng ngập lụt. Tuy nhiên, gần 300 nhà của người dân đã bị ngập úng, sạt lở; trong đó, gần 40 hộ dân nước ngập đến nóc nhà, nhiều hộ còn không thấy nóc, chìm sâu trong nước lũ. Mưa lũ còn vùi lấp, cuốn trôi khoảng 40 ha lúa, 65 ha cây ăn quả, hơn 200 ha ngô và rau màu, gia súc, gia cầm... nhiều hộ dân đã “trắng tay” sau lũ.
Tình người ở lại khi cơn lũ đi qua
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, sau khi nước rút, bản làng từng chìm trong biển nước cao tới cả chục mét đã hiện ra. Nhưng, những gì còn lại khi ấy là mênh mông bùn đất kèm rác và cây cối đổ gãy ngổn ngang, những mái nhà sàn hoang tàn, xơ xác.
Bà con các bản Phé, bản Cọ, Thúm Cáy... xót xa đứng nhìn ruộng lúa mới cấy vùi sâu dưới lớp đất; vườn đào cổ thụ, vườn ngô, cây cà phê chết khô sau lớp bùn nâu...
Và giữa trăm bề khó khăn, khi cơn lũ đi qua, điều ở lại là tinh thần đoàn kết của cộng đồng, của làng bản, của đồng bào cả nước hướng về Tông Cọ.
Anh Lù Văn Lang, Bí thư đoàn xã Tông Cọ cho biết: Sau khi nước rút, chúng tôi tiếp tục vận động đoàn viên thanh niên, các tình nguyện viên của xã khác hỗ trợ máy bơm nước, xịt rửa giúp bà con rửa bùn khỏi sàn nhà, các tuyến đường để người dân dễ đi lại.
Những chuyến xe tình nguyện chở theo chăn đệm, quần áo, vật dụng sinh hoạt cho đến lương thực, nước uống... đã vượt ngập úng, sạt lở, từ mọi miền hướng về Tông Cọ. Chị Lê Thị Hương Liên, một mạnh thường quân tới từ TP Sơn La chia sẻ: Sau khi mình đăng tải những ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử và kêu gọi ủng hộ thì bạn bè của mình đã gửi ủng hộ rất nhiều hàng hóa thiết yếu. Và bản thân mình đã gác bỏ mọi công việc để trực tiếp đến đây trao tận tay cho bà con.
Khoảng thời gian sau lũ cũng là những ngày tháng không ngơi nghỉ của các cán bộ lãnh đạo huyện, xã, các ngành, đoàn thể của xã Tông Cọ; trong đó có ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ. "Xã thành lập các tổ thường xuyên xuống với bản để quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, để làm sao hỗ trợ người dân được kịp thời, động viên nhân dân ổn định cuộc sống và tiếp tục lao động sản xuất.
Rất may có các cấp, các ngành, nhà hảo tâm quan tâm, sẻ chia hỗ trợ về vật chất. Phía xã đã thành lập ban tiếp nhận hàng cứu trợ, phân phát đúng người, đúng đối tượng. Chúng tôi dường như không có ngày nghỉ để trực tiếp đồng hành với bà con", ông Huệ nói.
Những điểm tựa nơi rốn lũ đã giúp bà con an tâm hơn, từng bước ổn định cuộc sống; thêm động lực, niềm tin, để ươm lại những mầm xanh trên mảnh đất hoang tàn sau lũ.
Đứng lên từ tâm lũ
Nhìn những cánh đồng xanh trở lại, ông Quàng Văn Tương, ở bản Hình, xã Tông Cọ không giấu nổi niềm vui. Bởi đây là thành quả sau những tháng ngày vượt khó, không cho đất nghỉ của hai vợ chồng già đã gần 70 tuổi.
"Phía dưới ao cá ngập hết, trên ruộng lúa cũng ngập. Sau đó nước rút một cái chúng tôi lại gieo lại, lúa được bao nhiêu gặt luôn để ăn bấy nhiêu. Trồng lại lúa cũng lo, lo thời vụ của nó có phù hợp không, may là vẫn được thu..." - ông Tương kể.
Kế bên 3.000m2 trồng lúa, gieo ngô, ao cá với gần 3 tạ cá từng bị lũ cuốn của gia đình ông Tương cũng đã được khôi phục. Và hơn cả, gia đình đã có tâm thế chủ động hơn để bảo vệ sinh kế, vơi bớt nỗi lo thiệt hại trong mùa mưa lũ tới: "Vợ chồng tôi cho nước vào thải bùn đi, làm khoảng 1- 2 tuần, sau đó thả tiếp, lần này thả cá to. Từ thả đến giờ cá cũng ăn nhiều cỏ, chóng lớn. Cũng lo sang vụ sau cá không kịp lớn, tranh thủ đến tháng 5 - 6 này sẽ bán luôn, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày và có thể bán được".
Không may mắn như gia đình ông Tương và các hộ dân bản Hình, bà con bản Phé, xã Tông Cọ phải đón lũ tới 5 lần trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, sau mỗi lần nước rút, là từng ấy lần mầm xanh được gieo lại trên cánh đồng hoang tàn, xác xơ... tựa khát vọng vượt khó và quyết tâm vực dậy của đồng bào nơi rốn lũ.
Anh Quàng Văn Quyển, bản Phé chia sẻ: Gia đình tôi đã trồng lại lúa đến 3 - 4 lần, nhưng ruộng bị ngập úng nhiều lần liên tiếp nên không được thu. Đến khi không kịp khung thời vụ trồng lúa nữa, gia đình tạm thời chuyển sang trồng ngô, trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò...
Cùng với những mầm xanh vươn mình trên mảnh đất hoang tàn, từng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố hơn đã và đang dần hiện hữu, thay thế cho những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái đã nghiêng mình sau lũ.
Dẫu chưa thể nguôi ngoai ký ức ngày nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi nhiều tài sản và cuộc sống yên bình vốn có... anh Quàng Văn Trường, ở bản Phé vẫn quyết tâm “an cư” để có thể an tâm bắt đầu lại: Sau đợt mưa lũ, các lãnh đạo xã, bản cũng vận động gia đình cố gắng chuyển ra nơi ở mới, sắp xếp chỗ ở an toàn để tránh lũ lụt. Tôi cũng mất hơn 2 tháng làm nhà, vay mượn bên ngân hàng nông nghiệp, cũng được nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm 50 triệu đồng nữa.
Theo ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, đến nay, trên địa bàn xã đã có 12 hộ gia đình di chuyển tới khu vực khác tại các bản lân cận trong xã để ổn định cuộc sống. Nguồn kinh phí hỗ trợ bà con được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ và các nguồn xã hội hóa, tiếp nhận từ Ủy ban Mặt trận tổ quốc... Đối với các hộ bị ngập, có nhà bị xiêu vẹo, ảnh hưởng, xã đã huy động mọi người giúp bà con chỉnh trang lại. Các hộ có nhu cầu di chuyển, xã đã làm thủ tục hồ sơ theo nghị định đề nghị cấp trên hỗ trợ, và huy động bà con trong bản, người thân, người nhà giúp các hộ này dựng nhà.
Để Tông Cọ có thêm những mùa Xuân
Năm mới cận kề, cũng đã gần nửa năm trôi qua kể từ trận lũ đầu tiên từ cuối tháng 7, nhưng với 5 lần ngập lụt trong vòng 3 tháng, việc “chữa lành” những vết thương sau thiên tai với Tông Cọ còn bộn bề khó khăn.
Như trong số 40 ha lúa ở Tông Cọ bị lũ vùi, có 5ha lúa ở bản Phé không thể khôi phục do nằm ở vùng trũng, thấp, bị ngập nhiều lần liên tiếp. Mương dẫn nước cũng đã không còn, khiến đất khô cằn, chỉ một số diện tích trồng được cỏ voi, trồng ngô, còn lại phải để trống.
Ông Lường Văn Đoàn, Bí thư chi bộ, trưởng bản Phé, xã Tông Cọ bày tỏ: 200m mương xây đã trôi đi, dựa vào sức dân để khôi phục cũng không đảm bảo, bà con hiện phải đi làm thuê để cải thiện cuộc sống, tạm thời khắc phục. Đợi Nhà nước khôi phục, xây lại được mương, bản nhất định sẽ vận động bà con khôi phục trồng lúa trở lại, để có gạo ăn hằng ngày, ổn định cuộc sống.
Để bảo vệ sinh kế cho người dân, các cấp, các ngành đã và đang đồng hành, hỗ trợ các biện pháp khôi phục sản xuất. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết, cùng với diện tích canh tác nông nghiệp bị thiệt hại nhẹ hoặc một phần, có khả năng khôi phục, đã hướng dẫn nhân dân thu gom dọn vệ sinh, làm lại đất, trồng dặm lại diện tích bị vùi lấp; phương án hỗ trợ với các diện tích thiệt hại nặng nề đã được triển khai.
"Với diện tích đang canh tác nông nghiệp bị thiệt hại nặng, không thể khắc phục, phòng tham mưu chỉ đạo UBND xã thành lập các Tổ công tác thống kê kiểm đếm, lập danh sách, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trên cơ sở các đề xuất của UBND xã, Phòng Nông nghiệp cũng đã tổ chức thẩm định kịp thời và tham mựu UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ cho các gia định tích bị thiệt hại về sản xuất thủy sản, cây cối hoa màu, và một số diện tích khác, đồng thời tham mưu huy động các nguồn xã hội hóa, UBMTTQ tỉnh, huyện hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại." - ông Thỏa cho biết
Nhiều bản làng của xã Tông Cọ nằm ở khu vực trũng, thấp, khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp, nước từ các khe núi, suổi nhỏ đổ về nhanh với lưu lượng lớn khiến tình trạng ngập úng ở đây tái diễn nhiều lần sau ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, số 3 năm qua.
Theo ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, Sơn La, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn huyện nói chung và những địa phương bị thiệt hại nặng như Tông Cọ đã và đang được địa phương dồn lực triển khai. Tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn như nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp; đời sống kinh tế của các hộ bị thiệt hại do thiên tai đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, nhất là các hộ có thiệt hại về nhà ở phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi nơi ở cũ không có đất hợp pháp để làm nhà ở và kinh phí để xây mới...
Địa phương đã kiến nghị các cơ quan, sở ngành đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành xem xét một số nội dung Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 và Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ theo hướng nâng mức hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai; đồng thời có phương án hỗ trợ xây dựng các công trình quan trọng để phòng chống lũ, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con.
"Đối với địa bàn Tông Cọ, huyện đã có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để có biện pháp lâu dài khắc phục tình trạng ngập úng, trong đó, kiến nghị đầu tư xây dựng hầm tuynel thoát lũ với khu vực này. UBND huyện cũng tăng cường thông tin, kịp thời có những cảnh báo đến các xã, thị trấn, các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra mưa lũ, tuyên truyền bà con chủ động trong các phương án phòng chống thiên tai." - ông Hà Trung Thắng chia sẻ.
Dẫu còn đó những khó khăn, song trong những ngày năm cũ dần qua, năm mới cận kề, Tông Cọ vẫn đang đón những niềm vui, sự quan tâm, sẻ chia, mang Tết về với tâm lũ. Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: Chăm lo tết cho người dân, đặc biệt là bà con bị ảnh hưởng thiên tai, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát tổng thể, đối tượng chính sách, các địa bàn bị thiệt hại nặng nề trong mùa mưa lũ; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, đảm bảo cho bà con có một cái tết ấm no, chia sẻ một phần nào đó những thiệt hại, mất mát.
Sự vào cuộc của các cấp, các ngành đã và đang từng bước hiện thực hóa tâm tư, nguyện vọng, những ước mong của người dân vùng lũ, để bà con có thể vững tâm đứng lên, kiên trì, bền bỉ phủ xanh đất lũ. Và hơn cả, là để Tông Cọ cũng như nhiều miền quê thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai vơi bớt nỗi lo mỗi mùa mưa lũ tới, có thêm những mùa xuân đủ đầy, ấm áp.