'Dựng' hành lang pháp lý cho thương mại điện tử

Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát hoạt động này.

Chính sách quản lý thương mại điện tử bộc lộ tồn tại, hạn chế

Thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20 - 30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.

Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Theo Bộ Công Thương, có được kết quả khả quan trên là do các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại 2 văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).

Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Theo đó, việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản pháp lý về thương mại điện tử hiện đang giao trách nhiệm cho chủ nền tảng thương mại điện tử trong việc xác định danh tính của người bán trong nước và nước ngoài trên sàn. Điều này dẫn đến các vấn đề: Khó khăn trong xác định danh tính người bán. Bởi hiện tại, nhiều nền tảng thương mại điện tử chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến việc khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, đặc biệt là với người bán ở nước ngoài hoặc người bán không tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài ra, “cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng thương mại điện tử” - Bộ Công Thương cho hay.

Việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Tâm An

Việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Tâm An

Cùng đó là khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm. Việc chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán làm cho công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch thươngmại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm.

“Vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn thương mại điện tử nếu thông tin về người bán không được rõ ràng và minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng tiếp tục là mối quan ngại chung của cả thị trường thương mại truyền thống lẫn thương mại điện tử. Mặc dù các văn bản pháp lý về thương mại điện tử đã quy định việc rà soát, kiểm soát và xử lý các thông tin cũng như hoạt động vi phạm, nhưng những hành vi vi phạm trong không gian mạng ngày càng trở nên tinh vi. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý hiệu quả hơn để giải quyết triệt để vấn đề.

“Với các tồn tại nêu trên trong việc thực thi thương mại điện tử, việc ban hành Luật Thương mại điện tử sẽ đảm bảo việc lấp đầy các khoảng trống pháp lý trong giám sát, kiểm soát trong lĩnh vực thương mại điện tử” - Bộ Công Thương khẳng định.

Quy định pháp lý đối với thương mại điện tử xuyên biên giới còn “nhẹ nhàng”

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, mặc dù Nghị định 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, nhưng các quy định này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý chính thức.

Hơn nữa, các quy định pháp lý đối với thương mại điện tử xuyên biên giới hiện tại nhìn chung còn “nhẹ nhàng” hơn so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.

Đáng chú ý, chưa có quy định phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Bộ Công Thương, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu và khách quan, dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, kể cả trước và sau khi hình thức thương mại điện tử xuất hiện. Tuy nhiên, cần cân nhắc các khía cạnh khác. Hiện nay, chính sách của Việt Nam không đặt ra giới hạn về số lượng hay loại hình hàng hóa nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác áp dụng các quy định chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử. Điều này vô hình chung tạo ra sự bất lợi và một sân chơi không công bằng cho hàng hóa Việt Nam khi tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Việc các quốc gia đã xây dựng luật riêng hoặc các chính sách riêng về thương mại điện tử để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, trong đó có những quy định chặt chẽ về thương mại điện tử xuyên biên giới, đặt ra các bài toán cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc đảm bảo cạnh tranh nhưng cũng hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương dự kiến đưa dự án xây dựng Luật Thương mại điện tử vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-hanh-lang-phap-ly-cho-thuong-mai-dien-tu-370496.html
Zalo