Dùng flycam phát hiện sớm điểm có nguy cơ sạt lở, hàng trăm người dân được sơ tán kịp thời
Hàng trăm người dân tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã được di dời đến nơi an toàn kịp thời trước khi đất đá trên sườn núi sạt lở xuống.
Kịp thời di dời hàng trăm người dân khỏi nơi nguy hiểm
Theo thông tin từ UBND xã Bảo Hà, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 15/9, xã nhận được thông tin về việc có hiện tượng sạt lở ở dãy núi trên đỉnh thác bản Chùn, khu vực giáp ranh với bản Bông 1 - 2. UBND xã đã cử cán bộ đi kiểm tra khu vực thác Bản Chùn và phát hiện đường nứt kéo dài gần 70m ở trên đỉnh núi, nguy cơ sạt lở rất cao.
Ngay phía dưới vết nứt một khối lượng lớn đất đá đã trượt sạt thành một vệt dài. Xã Bảo Hà đã gửi thông tin đến lực lượng chức năng và cảnh báo tới nhân dân trên địa bàn, thực hiện di dời và không di chuyển vào khu vực trên để lấy măng, làm nương, phát đồi, tránh nguy cơ thiệt hại về người.
Hiện trường vụ sạt lở tại Bản Bông, xã Bảo Hà, huyện lúc 17h30p ngày 12/9/2024. Do phát hiện sớm người dân và các phương tiện di chuyển qua khu vực đã được cảnh báo nên không có thiệt hại, thương vong. Ảnh: Nguyên Vũ
Trước đó, chiều 12/9, khu vực sườn núi phía trên quốc lộ 279, tại Km 78+650, đoạn qua bản Bông 3 xuất hiện điểm sạt lở lớn với chiều dài hơn 100 m, cao 15 m. Đất đá sạt xuống đã vùi lấp hoàn toàn lòng đường, khiến giao thông từ Bảo Hà đến thị trấn Phố Ràng và ngược lại bị chia cắt.
Vị trí sườn núi phía trên Bản Bông trước khi sạt lở. Ảnh: Nguyên Vũ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến ngày (15/9), do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 348 người chết và mất tích, trong đó có 281 người chết, 67 người mất tích. Trong đó, Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nhất khi có tới 118 người chết, 50 người mất tích. Trong đó nguy nhân chủ yếu là do hậu quả của các trận sạt lở đất sau mưa lớn.
Đây là vị ví có đường quốc lộ chạy qua, sẽ rất nguy hiểm nếu các phương tiện không được cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở. Đến trưa 15/9, lực lượng chức năng vẫn đang gấp rút san gạt, cố gắng thông đường sớm nhất.
Theo ông Trịnh Tiến Duật, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, đến thời điểm này, xã Bảo Hà đã di dời gần 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu cùng tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. "Ngay sau khi di dời các hộ dân đến nơi an toàn, chúng tôi đã phân công lực lượng theo dõi sát sao. Tính đến thời điểm này, tình hình vẫn đảm bảo an toàn, chưa có thiệt hại về người và tài sản." – Ông Duật cho hay.
Nhiều điểm có nguy cơ sạt lở được phát hiện sớm nhờ flycam
Anh Vũ Văn Nguyên, Phó trưởng Ban Tuyên vận chuyên trách và cũng là thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn xã Bảo Hà cho biết, từ khi hoàn lưu bão gây mưa cho khu vực bắc bộ gây sạt lở, anh cùng lực lượng chức năng xã đã dùng flycam đi khảo sát và phát hiện được 5 điểm nứt, có nguy cơ ảnh hưởng tới người dân sống ở phía dưới.
Chính quyền xã Bảo Hà chỉ đạo di dời khẩn cấp 14 hộ 61 khẩu bản Khoai ra khỏi khu vực nguy hiểm sau khi phát hiện vết nứt bất thường ở khu vực núi phía trên bản. Ảnh: Nguyên Vũ
"Bình thường tôi vẫn hay sử dụng flycam để phục vụ cho việc quay, chụp ảnh, làm thông tin tuyên truyền. Thời điểm mưa lũ diễn ra, tôi chợt nghĩ nếu dùng flycam để kiểm tra rà soát trước các vị trí có nguy cơ sạt lở thì thế nào? Nghĩ là làm, tôi báo cáo xin phép Đảng ủy chính quyền địa phương. Lúc đó rất cấp bách, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất diễn ra phức tạp, mất điện, mất sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc về Ban chỉ huy Quân sự huyện để xin cấp vùng bay là rất khó khăn, gần như tê liệt. Vì an toàn của người dân, anh em thống nhất được phương án liền sử dụng flycam bay kiểm tra các khu vực trên địa bàn xã. Nơi nào có nhiều vết nứt, nguy cơ sụt sạt liền đánh giấu cùng chính quyền vào cuộc hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp đến nơi an toàn." – Anh Nguyên cho hay.
Nhờ dùng flycam rà soát sớm các điểm có nguy cơ sạt lở những thông tin cảnh báo được cập nhật sớm đến người dân.
Cũng theo anh Nguyên, việc dùng flycam để rà soát sạt lở rất hiệu quả, phạm vi tiếp cận rộng, cơ động. Có thể tiếp cận cả những vùng địa hình khó, nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay Flycam là phương tiện bay được quản lý rất chặt, cần có giấy phép hoặc được sự đồng ý của cơ quan chức năng cho phép bay ở những vị trí, khoảng không gian nhất định. Nếu flycam được xem xét sử dụng hợp lý, sẽ có ích rất nhiều đối với việc phát hiện sớm nguy cơ do sạt lở đất, giảm thiểu đối đa thiệt hại về người và của.