Đừng đòi 'quả ngọt' khi chúng ta mới chỉ… trồng cây!
Đội hình U22 VN dưới thời HLV Troussier không có cầu thủ nào đẳng cấp. Một vài gương mặt như Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt được khán giả biết tên là nhờ tỏa sáng ở VCK U20 Châu Á. Trình độ của họ kém xa với những "đứa trẻ” dưới thời cựu HLV Park Hang-seo. Không chỉ được đào tạo bài bản, thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Văn Hậu, Quang Hải, Duy Mạnh, Xuân Trường, Tuấn Anh... còn được chơi bóng đỉnh cao cùng với CLB và gắn kết với nhau lâu dài trong màu áo đội tuyển. Còn nhớ tại SEA Games 2017, với những "viên ngọc" trong tay nhưng HLV Hữu Thắng không biết cách vận dụng khiến U22 VN thua tan tác trước Thái Lan và không qua nổi vòng bảng. Chỉ 1 năm sau, cũng bằng đội hình này, nhưng dưới bàn tay mài giũa của chiến lược gia xứ kim chi, tập thể ấy đã tạo ra kỳ tích Thường Châu, thống trị bóng đá Đông Nam Á và lần đầu được xếp "cùng mâm" với các anh tài hàng đầu châu lục.
Tuyển U22 VN hiện tại còn rất nhiều cái... "không", trong đó không có kinh nghiệm thực chiến là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại cay đắng trước Indonesia ở bán kết. Trong số 18 chân sút mà ông thầy người Pháp mang sang Campuchia không có ai được đá chính ở đội tuyển quốc gia. Thậm chí những cầu thủ được chơi tại V-League cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và số trận ra sân của họ cũng rất khiêm tốn. Cầu thủ ở tuổi đôi mươi thường xuyên được chinh chiến sân chơi cao nhất giải quốc nội là Bùi Vỹ Hào. Song tiền đạo của CLB Bình Dương lại bị HLV Troussier gạch tên vào giờ chót.
Indonesia là đội bóng được tập hợp có thâm niên và chơi bóng bên nhau từ khi HLV Shin Tae-yong nắm quyền. Theo lộ trình mà LĐBĐ xứ vạn đảo quy hoạch thì nhiệm vụ của chiến lược gia người Hàn Quốc phải tạo ra 1 lực lượng trẻ xuất sắc đủ sức tranh tài giải U20 thế giới được tổ chức trên sân nhà vào giữa năm 2023 (đã bị tước quyền đăng cai và chuyển giao cho Argentina). Để hoàn thành mục tiêu trên, nhà cầm quân đẳng cấp World Cup này mạnh dạn bổ sung những tài năng mặt còn "búng ra sữa" vào đội hình tuyển quốc gia để thường xuyên được cọ xát ở các giải đấu đỉnh cao.
Điển hình, đội trưởng Rizky Ridho đã có 37 lần khoác áo đội bóng có biệt danh "Garuda" (Chim ưng) dành cho lứa U23 lẫn đội tuyển quốc gia. "Khủng" hơn là đội phó Witan Sulaeman với 4 năm ra sân cho đội nhà trên mọi mặt trận và ghi được 8 bàn thắng. Tương tự, hậu vệ Alfeandra Dewangga cũng có ngần ấy thời gian thi đấu tại giải Ngoại hạng Indonesia cùng 29 lần khoác áo các cấp độ đội tuyển...
Với kinh nghiệm cùng độ chín của sự nghiệp, các tuyển thủ Indonesia giúp bóng đá nước nhà thu "quả” ngọt với tấm HCV SEA Games 32 là hoàn toàn xứng đáng. Ngược lại, dẫu biết màn trình diễn của học trò ông Troussier chưa đáp ứng kỳ vọng. Song cả tập thể cũng đã cố gắng hết khả năng. Thế nên, người hâm mộ cần động viên giúp họ tiến bộ chứ đừng chỉ trích, lạnh nhạt.