Dùng điện thoại khi lái xe, đừng xem thường tính mạng

Thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện vốn đã không còn quá xa lạ trên mạng lưới giao thông đường bộ nước ta.

Dù đây là hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc nhưng trên thực tế vẫn còn không ít tài xế vẫn cố tình phớt lờ quy định, tiếp tục sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, thậm chí là phương tiện chở nhiều người, nhiều hàng hóa.

Vào lúc 16h07 ngày 03/12/2024 vừa qua, trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc Lộ 45, tài xế Nguyễn Xuân Khoa (sinh 1982, ngụ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) điều khiển xe khách giường nằm biển kiểm soát 37B-01156 theo hướng từ Hà Nội đi Thanh Hóa. Những hình ảnh được ghi lại trên trên buồng lái xe khách cho thấy tài xế Khoa không thắt dây an toàn và dùng khuỷu tay để điều khiển vô lăng trong khi 2 bàn tay dùng để truy cập mạng xã hội trên điện thoại di động.

Qua theo dõi dữ liệu camera, vào lúc 17h cùng ngày Đội CSGT đường bộ cao tốc số 3 đã tiến hành dừng phương tiện nêu trên tại km259 cao tốc Pháp Vân – Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc Lộ 45 lập biên bản vi phạm và tạm giữ giấy phép lái xe đối với tài xế Nguyễn Xuân Khoa.

Nhận định về trường hợp này, thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Đội trưởng đội CSGT đường bộ cao tốc số 3 nói: "Đầu tiên là ý thức của người lái xe, đầu tiên là không chú ý quan sát, coi thường tính mạng của mình, của phụ xe và của tất cả các hành khách khi sử dụng điện thoại mà chỉ dùng 2 khuỷu tay lái xe trong khi 2 tay sử dụng điện thoại thì làm sao kịp thời phản ứng khi có chướng ngại vật.

Nếu như trong trường hợp hạ tầng chưa đáp ứng được như các cao tốc phân kỳ không có làn dừng khẩn cấp mà có xe bị sự cố phải đỗ ở làn khẩn cấp thì rất dễ đâm từ phía sau, thực tế đã có những vụ như vậy".

Tài xế Khoa đang điều khiển vô lăng bằng khuỷu tay, trong khi đó tay vẫn sử dụng điện thoại di động khi lái xe trên cao tốc

Cùng chung sự bất bình trước tình huống nêu trên, ông Phạm Minh Quân – admin group Ôtô Sài Gòn Trên Đường Thiên Lý, quản trị viên trang An toàn giao thông – Văn hóa giao thông bày tỏ: "Hành vi này hết sức nguy hiểm, vi phạm atgt nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông cho tuyến cao tốc và đặc biệt là các hành khách trên xe. Tài xế này rõ ràng đã quen với việc sử dụng điện thoại khi lái xe, đến mức để trên tay lái thì rất chủ quan và nguy hiểm. Nếu xem kỹ clip sẽ thấy 1 số đoạn chiếc xe bị lệch làn và lấn sang làn khác do tài xế mải mê dùng điện thoại. Với tốc độ gần 100km/h mà xe lại chở rất nhiều hành khách thì em kịch liệt lên án tài xế xe khách này".

Sau vụ việc nêu trên, chỉ riêng trong chiều ngày 6/12/2024, lực lượng chức năng bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau đã tiếp tục phát hiện và xử lý đối với 4 trường hợp lái xe sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện trên tuyến cao tốc từ TPHCM đi Khánh Hòa. Các tài xế khi bị dừng xe đã thừa nhận hành vi vi phạm và bị xử lý theo quy định.

Trước thực trạng hàng loạt tài xế từ Bắc chí Nam thường xuyên mắc lỗi sử dụng điện thoại di động khi lái xe, thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Đội trưởng đội CSGT đường bộ cao tốc số 3 nhận định: "Rõ ràng đã có bất cập ngay từ trong công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe liệu có đề cập đến việc này. Tai nạn thì có nhiều lý do nhưng nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các hành vi như thế".

Để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới, ông Phạm Minh Quân – admin group Ôtô Sài Gòn Trên Đường Thiên Lý, quản trị viên trang An toàn giao thông – Văn hóa giao thông cho rằng cần sớm hoàn chỉnh các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt mới có thể tạo được sự răn đe đối với các lái xe.

Theo ông Quân: "Hiện tại mức xử phạt đối với việc sử dụng điện thoại di động đang khá nhẹ và khó xử phạt. Em đề xuất lực lượng csgt nên phối hợp với Đăng kiểm kiểm tra hộp đen, camera hành trình trong xe để kịp thời phát hiện việc tài xế sử dụng điện thoại trong lúc lái xe cũng như tăng mức phạt để mang tính răn đe hơn. Ngoài ra việc này ảnh hưởng đến tính mạng của hành khách cũng như uy tín của nhà xe nên các chủ doanh nghiệp nên có mức phạt và kỷ luật cao đối với tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe".

Việc sử dụng điện thoại khi lái xe, nhất là lái xe trên cao tốc được xác định là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông

Việc sử dụng điện thoại khi lái xe, nhất là lái xe trên cao tốc được xác định là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông

Rõ ràng việc sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện trên cao tốc là cực kỳ nguy hiểm và cần được xử lý đến nơi đến chốn, tuy nhiên người tham gia giao thông trên cao tốc và hành khách trên các chuyến xe khách cũng cần lưu ý 1 số gợi ý mà ông Phạm Minh Quân – admin group Ôtô Sài Gòn Trên Đường Thiên Lý, quản trị viên trang An toàn giao thông – Văn hóa giao thông khuyến cáo: "Nếu hành khách trên xe khách mà bắt gặp tài xế sử dụng điện thoại quá mức gây nguy hiểm thì đầu tiên em sẽ chụp hình, quay phim lại để ghi nhận hành vi của tài xế, tiếp theo em sẽ phản ánh trực tiếp với tài xế và phụ xe về sự nguy hiểm này và yêu cầu tài xế dừng ngay việc sử dụng điện thoại".

Thông thường khi lái xe trên đường mà thâý1 xe phía trước chạy chậm mà có dấu hiệu lệch lái , lắc qua lắc lại, xỉa qua xỉa lại thì phán đoán khả năng cao tài xế phía trước đang sử dụng điện thoại di động. Cách thứ nhất thường làm là đá đèn để gây sự chú ý cho tài xế về việc phía sau có người khó chịu với cách lái xe của họ.

Nếu như tài xế đó không thay đổi thì sẽ bóp kèn 1 xíu (không quá gay gắt khi bóp kèn) để cảnh báo tài xế về việc sử dụng điện thoại là không đúng và cần bỏ điện thoại qua 1 bên khi lái xe.

Huy Hoàng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/dung-dien-thoai-khi-lai-xe-dung-xem-thuong-tinh-mang-post1142074.vov
Zalo