Đừng để trí tuệ nhân tạo AI thay thế 'con người'
Không thể phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) mang lại tiện ích cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, nhưng nhìn toàn diện thì AI chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế.
Ngành công nghệ AI bùng nổ khi OpenAI ra mắt ChatGPT đánh dấu những tiến bộ lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Ngay sau đó, các tập đoàn công nghệ lớn cũng ra mắt những công cụ AI khác - như Microsoft Copilot, Google Bard, Bing, Gemini... đã làm gia tăng tính hữu dụng của AI. Cuộc cách mạng tự động hóa bằng máy móc trên đã phần nào giúp con người giảm bớt những công việc tay chân, thể xác từ việc viết mã lập trình, phân tích dữ liệu đến tổng hợp thông tin chỉ trong thời gian ngắn. Song song với mặt tích cực, xu hướng mới nổi này đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với toàn xã hội.
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ công việc, anh T – nhà tuyển dụng của Công ty Truyền thông A chia sẻ: “Chúng tôi may mắn được tiếp cận với AI từ sớm để nắm bắt, cập nhật thông tin phục vụ cho hoạt động truyền thông của công ty. Công cụ này đã giúp công ty tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, mới đây chúng tôi lại chứng kiến một tình huống “dở khóc dở cười” khi cầm trên tay 10 chiếc CV (đơn xin việc) giống nhau từ dấu chấm, dấu phẩy đến từ các ứng viên. Chắc một phần do đã có kinh nghiệm dùng “con AI” nên chỉ cần nhìn thoáng qua tôi có thể nhận ra ngay CV “ảo” bởi nó thiếu đi sự chân thật, những yếu tố phản ánh đúng kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên. Chưa kể, đây còn là minh chứng rõ nét cho khái niệm "lười biếng 4.0" của một bộ phận giới trẻ hiện nay”.
Dù AI có mạnh mẽ đến đâu, thực tế, chúng chỉ được coi là một công cụ hỗ trợ cho con người; giúp con người xử lý một số công việc ở tầng thấp, yêu cầu không cao. Tạo “bàn đạp” giúp con người phải không ngừng nỗ lực, đầu tư chất xám để chiếm giữ những vị trí việc làm ở tầng cao hơn; nhất là trong quá trình tư duy, phản biện. Cô X – Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức bộc bạch: “Mặc dù AI có thể giúp sinh viên tìm kiếm thông tin nhanh chóng, giải quyết bài tập hay nghiên cứu, nhưng nếu sinh viên chỉ dựa vào AI mà không phát triển khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, họ sẽ mất đi cơ hội rèn luyện những kỹ năng quan trọng như phân tích, giải quyết vấn đề và phản biện. Chưa kể, việc sử dụng AI không đúng cách sẽ làm giảm chất lượng học tập, vì sinh viên không khác gì những “cỗ máy” chỉ sao chép hoặc sử dụng các giải pháp có sẵn mà không hiểu sâu về kiến thức mình đang học. Điều này cũng có thể dẫn đến việc gian lận trong học tập hoặc mất đi sự trung thực trong quá trình học”.
Điều đáng lo ngại là làn sóng tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, AI nói riêng ngày càng trở nên phổ biến trong đó phải kể đến loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ AI Deepfake để tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video nhằm giả mạo các cơ quan nhà nước để lừa đảo hoặc làm việc với mục đích trục lợi và các ý đồ xấu khác. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc xâm phạm cơ sở dữ liệu, nhiều vụ việc liên quan đến ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Hiện nay, không thể phủ nhận những lợi ích của việc ứng dụng AI trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, nếu không biết tận dụng AI cho hiệu quả, đúng lúc, đúng nơi con người sẽ trở nên thụ động lười suy nghĩ, đánh mất đi nhiều khả năng như tư duy phản biện, sáng tạo. Đi cùng với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi các đơn vị như trường học, đại học, cao đẳng và các tổ chức cần xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo về AI nhằm giúp người dùng hiểu rõ hơn về khả năng, giới hạn và tác động của AI.
Mặt khác, khi sử dụng các ứng dụng AI người dùng cần chú ý đến việc bảo vệ dữ liệu, đọc kỹ chính sách quyền riêng tư và điều khoản sử dụng của các công cụ AI để hiểu rõ cách thức thu thập và sử dụng dữ liệu của chúng. Ngoài ra, cần kiểm soát quyền truy cập vào thiết bị khi dùng AI để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý về việc sử dụng AI, bao gồm các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và trách nhiệm của các bên liên quan; liên tục cập nhật thường xuyên để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, đồng thời không quá lạm dụng bởi AI thì con người sẽ luôn có ưu thế hơn AI.