Đừng để tim ta có một nếp nhăn
James Garfield (1831 - 1881), nhà triết học danh tiếng đã để lại cho chúng ta một danh ngôn đầy lạc quan, yêu đời và hết sức khoa học vì có thể thực hành, áp dụng được trong đời sống bình thường, đó là: 'Nếu trên trán ta đã có những nếp nhăn thì đừng bao giờ nên để trái tim ta có một nếp nhăn nào cả, vì tinh thần của chúng ta không được phép già nua'. Hoan hô Gar-field về lời dạy của ông là 'Vì tinh thần của chúng ta không được phép già nua'.

Con người ta bằng xương bằng thịt do cha mẹ sinh ra đều phải tuân theo bốn quy luật tự nhiên là: Sinh (sinh ra, lớn lên), Lão (trưởng thành, già đi), Bệnh (có lúc ốm đau, đặc biệt lúc về già), Tử (trở về với cát bụi). Nhìn tổng thể thì không ai có thể chống lại bốn quy luật này, nhưng trong từng giai đoạn của cuộc sống có thể có những biện pháp khác nhau, những cách suy nghĩ khác nhau, những cách đặt vấn đề khác nhau để có thể nâng cao, có thể cải thiện, có thể tìm cách trợ giúp cả về thể chất lẫn tâm hồn con người để quyết tâm sống vui, sống khỏe, sống có ích. Chúng ta quyết không đầu hàng số phận, không đầu hàng mọi khó khăn, gian khổ để luôn mạnh mẽ vươn lên dưới ánh sáng của Triết học lạc quan và Khoa học của thời đại.
Cũng cùng một cách suy nghĩ về tuổi già và ước mơ, nhà văn García Márquez (1928 - 2014), người đạt giải Nobel văn học năm 1982, đã có một định nghĩa quá chuẩn về tuổi già như sau: “Không phải chúng ta già đi nên hết ước mơ, mà chính là vì hết ước mơ nên chúng ta mới già đi”. Nói cách khác: Nếu ta còn ước mơ nghĩa là ta chưa bước vào tuổi già.
Dưới cách nhìn của các nhà triết học, kể cả phương Đông và phương Tây thì trong lồng ngực của chúng ta luôn có hai trái tim: một trái tim sinh học để bơm máu và một trái tim của yêu thương. Trái tim sinh học theo ngày tháng có thể bị lão hóa, có thể bị tổn thương, nhưng trái tim yêu thương thì không bao giờ thay đổi, trừ việc chính người mang trái tim đó muốn từ bỏ những cảm xúc tốt đẹp, những nghĩa tình lương thiện, yêu thương. Trái tim này sẽ không bao giờ có nếp nhăn dù người mang nó đã đầy nếp nhăn trên trán. Đó là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hết sức khó khăn, gian khổ. Kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện cả một cuộc đời.
Trong tài liệu Y khoa danh tiếng mang tên “Những nghiên cứu của Đại học Oxford về tuổi già” đã có những kết luận cực kỳ quan trọng cho mọi người khi bước vào thế kỷ XXI. Một trong những kết luận mang tính thời đại đó là: “Khi chúng ta bước vào thế kỷ thứ XXI, với kinh nghiệm sống ngày càng phong phú, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học về sức khỏe, con người đã làm được hai việc lớn, đó là: “Kiểm soát được bệnh tật” và “Làm chủ được tuổi thọ”, tiến đến kéo dài được quá trình lão hóa”. Vì thế ở giai đoạn cuối này, con người có thể có cơ sở khoa học để sống bình an, thoải mái, được gọi là “giai đoạn tuổi vàng”. Điều đáng mừng cho thế giới và cho Việt Nam khi bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này là tuổi thọ của người dân đã tăng lên rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố vào tháng 6/2022 thì tuổi thọ trung bình cả nam và nữ ở Việt Nam là 75 tuổi.
Có một tài liệu khoa học đáng tin cậy và đã được nhiều người đón đọc là cuốn “An hưởng tuổi vàng”, xuất bản năm 2000 của nhà xuất bản Y tế Distributors Texas Mỹ. Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Ý Đức (1936 – 2023), một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về sức khỏe tuổi già. TS Ý Đức đã viết: “Tuổi vàng là giai đoạn tuổi mà ta sẽ trải qua sau khi đã đóng góp nhiều công sức, tâm não cho nhân quần, xã hội cũng như cho gia đình, con cháu. Đó là tuổi từ 65 trở đi, tuổi mà xã hội cho mình cái quyền vui thú điền viên với những khoản trợ cấp theo luật định. Đã sống tới tuổi 65 thì sẽ có nhiều triển vọng là ta sẽ sống tới ngoài 80, thành ra giai đoạn tuổi vàng có thể là khoảng thời gian lâu hơn là tuổi trung niên hay thanh niên. Để an hưởng được tuổi này, ta cần có thái độ ứng xử tích cực và xây dựng. Cuộc hành trình đi vào tuổi vàng không phải bắt đầu bằng những bước chân đầu tiên, mà phải bằng cái ý định là sẽ nhập cuộc. Rồi từ đó, tùy theo chương trình, kế hoạch tuổi vàng của ta nhất định sẽ hào hứng, đầy sinh động, nhiều sáng tạo, có ích cho gia đình, cộng đồng và cho chính bản thân ta”. Đoạn văn vừa trích dẫn trên được TS Ý Đức viết từ trước năm 2000, nhưng đến nay vẫn tươi mới và cập nhật. Đó là “không để tim ta có một nếp nhăn”, đó là “Tinh thần của chúng ta không được phép già nua” như mong muốn của James Garfield đã dặn dò chúng ta.
Nhà tư tưởng lớn Voltaire (1694 – 1778) đã có một cách lý giải hết sức chuẩn xác và khoa học khi ông viết: “Ai không có một tinh thần để sẵn sàng ở vào cái tuổi đương thời của mình, thì khi đi vào cái tuổi ấy sẽ không tránh khỏi những tai họa”. Rõ ràng, con người ta khi sắp bước vào năm mới, tuổi mới, giai đoạn mới của cuộc đời, ai cũng phải động não, suy nghĩ và chuẩn bị thật tốt cho cuộc phiêu lưu mới. Ai sống buông thả, mặc cho “nước chảy bèo trôi”, “được đến đâu, hay đến đó” chắc chắn sẽ phải trả giá và ân hận.
Đến đây có thể tạm sơ kết:
Muốn cho “Tim ta không bao giờ có nếp nhăn”, muốn cho “Tinh thần của ta không được phép già nua” thì cần phải có những bước chuẩn bị ngay từ lúc còn “đầu xanh tuổi trẻ”. Nghĩa là cứ đến một độ tuổi nào đó cần phải cập nhật được ngay, thích nghi được ngay cái hoàn cảnh mới, cái tình thế mới mà ta phải thích ứng.
Hơn thế nữa, phải cố gắng học thêm, tìm hiểu thêm để có cách nhìn xa, trông rộng đến “5 năm, 10 năm tiếp theo” về các mặt: Tài chính (nhà cửa, tiền tiết kiệm để khi về già đỡ vất vả), Sức khỏe (giữ gìn cách ăn uống, chế độ tập luyện hàng ngày, các thói quen sinh hoạt tốt và khoa học), Cách giao tiếp tốt với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng.
Nói theo các nhà khoa học đã được trích dẫn ở trên là muốn được “An hưởng tuổi vàng” thì không thể chỉ dựa vào sự giúp đỡ của người khác mà chủ yếu phải dựa vào chính bản thân mình mới là quan trọng nhất, là chủ yếu nhất. Tự mình sẽ có một tuổi vàng bình an, có đủ vật chất, có đủ tinh thần thoải mái, hạnh phúc, yên ổn, đó là điều ai cũng ước mơ và suốt đời phấn đấu để có được.
Về việc ca ngợi tuổi già, tuổi vàng có rất nhiều lời hay, ý đẹp. Việt Nam ta cũng luôn ca ngợi các vị có tuổi có tài năng thực sự, có nhiều kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, đã có nhiều cống hiến cho bà con làng xóm, họ là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ con cháu noi theo. Các danh hiệu cao quý như: Già làng, Trưởng bản, Lão nông chi điền..., các câu “Kính già già để tuổi cho”, “Kính già yêu trẻ”, “Kính trên nhường dưới”, “Trên thuận dưới hòa”... là những bằng chứng văn hóa từ lâu đời của người Việt Nam rất đáng trân trọng. Đại triết gia Francis Bacon (1561 – 1626) đã có một tổng kết về tuổi vàng đáng kính trọng như sau: “Gỗ càng già, đun càng tốt. Rượu càng cũ uống càng ngon. Bạn cũ là bạn tốt nhất. Các tác giả xưa nhất có các tác phẩm tốt nhất”. Chúng ta tôn trọng và biết ơn nhận xét này của Bacon, vì nó đúng mãi và rất hợp đạo lý làm người.
Nên nhớ mãi danh ngôn của nữ văn sĩ người Áo, bà Marie-Ebner-Eschenbach (1830 – 1916), đó là: “Suốt những năm dài tuổi trẻ ta học hỏi, để đến khi về già sẽ giúp ta thấu hiểu”. Xin chúc cho ai cũng có cơ hội thấu hiểu, để an hưởng một tuổi vàng êm đềm, hạnh phúc.