Đừng để nóng giận mất khôn

Bây giờ, cư dân mạng, hay những lúc trà dư tửu hậu người ta thường hay đem câu nói 'mày có biết bố mày là ai không?' để ám chỉ những đối tượng côn đồ, hống hách, hung hăng… nhưng sau đó nhận cái kết đau lòng.

Câu chuyện về vụ Nguyễn Minh Đức (SN 1978; ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) hất người phụ nữ lên capo ôtô rồi nhấn ga chạy một đoạn đường đã gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây. Hậu quả của hành vi này là Nguyễn Minh Đức đã bị khởi tố về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Hình ảnh ghi lại vụ 6 đối tượng gây thương tích cho 2 nhân viên cây xăng.

Hình ảnh ghi lại vụ 6 đối tượng gây thương tích cho 2 nhân viên cây xăng.

Câu chuyện xảy ra khá đơn giản: Khoảng hơn 2h ngày 15/8/2024, chị Vân (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chạy xe máy chở bạn là chị Thanh đi mua bánh mì trên đường Đông Hồ thuộc quận Tân Bình. Cho rằng chị Vân đậu xe cản trở lưu thông nên khi chạy ôtô đi ngang qua, Đức dừng lại, mở của kính ôtô dùng lời lẽ thô tục để chửi chị Vân. Chị Vân thấy vậy dắt xe sát vào lề đường nhưng Đức chưa chịu buông tha, xuống xe tiếp tục cãi nhau với chị Vân và chị Thanh. Chị Vân nói gọi cho Công an phường đến giải quyết thì Đức lên xe định chạy đi. Thấy vậy chị Vân đứng trước đầu ôtô yêu cầu Đức đợi Công an ra giải quyết. Bất ngờ, Đức nhấn ga đụng nhẹ vào người Vân và hất Vân lên nắp capo xe ôtô rồi tăng tốc… Chị Vân la hét cầu cứu, van xin để Đức dừng xe nhưng Đức chạy đến 1km mới chịu dừng lại rồi bỏ mặc nạn nhân…

Với những trường hợp như vậy, nếu đúng chị Vân có để xe lấn chiếm lòng đường, Đức có thể nhẹ nhàng nhắc nhở thì có lẽ sẽ nhận được sự cảm ơn từ phía chị Vân và câu chuyện đã không xảy ra theo hướng tiêu cực. Trong trường hợp chị Vân tỏ thái độ không đồng tình trước lời nhắc nhở thì Đức có thể quay phim, chụp ảnh vi phạm của Vân rồi chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý cũng sẽ tránh được sự va chạm không cần thiết. Bởi từ clip được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, sự bức xúc của chị Vân, chị Thanh chính là vì Đức mắng chửi thô tục không chấp nhận được trong cách đối xử với nhau.

Cũng hung hăng không kém Đức là trường hợp của Trần Tấn Phong (SN 1978, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị Cơ quan điều tra khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng. Khoảng 12h45 ngày 11/8, Phong điều khiển xe ôtô BKS 61A-901.78 đi trên đường Nguyễn Chí Thanh và rẽ trái vào đường Lê Chí Dân thuộc phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một. Cho rằng anh P.T.S. (SN 1997) điều khiển xe ôtô biển số 61A-723… cản trở Phong qua đường nên Phong tăng ga đuổi theo, nhiều lần chạy vượt lên phía trước đầu xe của anh S. Khi dừng được xe anh S., Phong nhặt một khúc xương bò dài khoảng 30cm trên vỉa hè và xông tới đập vỡ cửa kính xe ôtô. Khi anh S. bước ra khỏi xe thì Phong dùng tay nắm tóc anh S. và cầm cục xương bò hù dọa định đánh S. Khi được người dân xung quanh đến can ngăn thì Phong mới dừng lại và bỏ đi.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Trần Tấn Phong đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với 2 hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Làm nhục người khác", cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Trước đó, cũng tại Bình Dương, khoảng 17h30 ngày 2/6, nhân viên của một cây xăng ở phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một) có mâu thuẫn cãi nhau với một tài xế xe tải do người này không hãm phanh làm xe bị trôi về phía sau kéo theo dây trụ bơm xăng. Đến 19h15 cùng ngày, có chiếc xe tải BKS 61E - 040.04 dừng trước cây xăng rồi bất ngờ có 6 đối tượng lăm le hung khí trên tay nhảy xuống xe xông vào tấn công nhân viên cây xăng khiến 2 người bị thương tích nặng phải đưa đi cấp cứu…

Hùng hổ là vậy, coi tính mạng con người như cỏ rác nhưng khi được đưa về trụ sở Công an làm việc, hầu hết các đối tượng đều nói không ra lời, trả lời lí nhí các câu hỏi của cơ quan điều tra.

Theo các chuyên gia tâm lý, không phải ai sinh ra cũng hung hãn, lưu manh, mà thói hung hăng ở đa số người trẻ là do ảnh hưởng, tập nhiễm từ môi trường xung quanh. Mà lỗi từ phía gia đình được xem là yếu tố đầu tiên tạo nên một con người hung hãn. Nếu đứa trẻ sinh ra và thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột, giải quyết mâu thuẫn bằng "nắm đấm" thì chúng sẽ bị tiêm nhiễm và bắt chước. Thứ đến là tác động từ mặt trái xã hội, nhiều thanh thiếu niên hiện nay sống trong thế giới ảo với các loại game bạo lực; video clip bạo lực, giang hồ mạng lên ngôi… hiện tràn lan trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhà trường nơi có thể giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng trên thực tế kỹ năng sống chưa được truyền đạt hoặc giảng dạy chưa được như kỳ vọng và chưa phù hợp với thực tiễn xã hội.

Còn theo phân tích từ 30 vụ giết, cố ý gây thương tích ở tỉnh Bình Dương cho thấy, cả bị hại và cả đối tượng gây án phần lớn là công nhân và lao động tự do, trình độ văn hóa thấp (60% có trình độ từ cấp 2 trở xuống), thiếu hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống. Có hơn 15% số đối tượng có tiền án, tiền sự và thường xuyên xem phim ảnh, clip có nội dung bạo lực trên mạng xã hội; độ tuổi gây án từ 18-30.

Một nguyên nhân khác cũng được Công an tỉnh Bình Dương chỉ ra là công tác phòng ngừa xã hội chưa có sự quyết tâm của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường, đoàn, hội ở cơ sở. Một số ban ngành chưa coi trọng công tác phối hợp vì cho rằng nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm nói chung là của ngành Công an nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các mâu thuẫn nhỏ chưa được phát hiện kịp thời để hóa giải dẫn đến mâu thuẫn thành to và gây án. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa linh hoạt, sáng tạo mà chủ yếu theo kiểu "truyền thống" (sách, báo giấy, đài truyền hình, tờ rơi…) nên chưa thể đến với mọi tầng lớp người dân, nhất là đối tượng thuộc diện tạm trú.

Từ thực tiễn cho thấy, để phòng ngừa các vụ án từ mâu thuẫn xã hội là công việc không đơn giản. Bởi thuộc một phạm trù tâm sinh lý của đối tượng nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Cho nên trước hết là tự mỗi cá nhân phải tự soi xét bản thân, tự sửa mình để giữ được sự bình tĩnh, khôn khéo khi xảy ra mâu thuẫn, để không hại người, thiệt mình vì "nóng giận mất khôn".

Mã Hải

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/dung-de-nong-gian-mat-khon-i740872/
Zalo