Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Cảnh báo tuyến đường ngập nước, nguy hiểm

Cảnh báo tuyến đường ngập nước, nguy hiểm

Bão số 6 (TRAMI) quét qua địa bàn tỉnh, tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Mưa lớn, tại các vùng thấp trũng, nước dâng cao, nhất là ở các vùng ven sông, đầm phá, ven biển.

Để ngăn ngừa những thiệt hại do mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã phát đi thông báo, yêu cầu: “Người dân không được ra đường từ 7 giờ ngày 27/10/2024 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt) cho đến khi có thông báo mới”.

Động thái này của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh là tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mà thời điểm mưa to, gió lớn đang diễn ra. Thế nhưng, phớt lờ thông tin, cảnh báo này, vẫn có người ra đường trong thời điểm mà thời tiết nguy hiểm nhất.

Cũng có người ra đường vì lý do đặc biệt, bất khả kháng, nhưng cũng có người ra đường vì sự tò mò, hiếu kỳ và tỏ ra khá thích thú được đi dưới mưa to, gió lớn. Có thể là ý kiến chủ quan, cá nhân, nhưng thực tế cho thấy, khi thấy mưa to, bão lớn, một số người người ở vùng sông nước vì mưu sinh vẫn chủ quan đi đánh bắt cá. Đây cũng là nguyên nhân khiến mùa mưa bão nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng người đi đánh cá bị ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản...

Mưa bão số 6 đã gây sóng lớn, nước biển dâng đã đánh sập cả một tuyến đường dài ven biển xã Phú Thuận (Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế). Thế nhưng vẫn có người tò mò, dẫn cả con trẻ, lội nước để chụp ảnh, quay phim cảnh từng đợt sóng biển tung bọt trắng xóa, tràn qua tuyến đường ven biển. Hành động này có thể nguy hiểm đến tính mạng, chỉ một chút lơ là, chủ quan, sóng biển có thể gây nên những đau thương, mất mát.

Trên các tuyến đường thấp trũng, mưa bão đã gây nên cảnh ngập lụt, xóa luôn cả ranh giới con đường. Biết trước nguy hiểm cho người và phương tiện nên lực lượng chức năng đã lập chốt, dựng hàng rào chắn với cảnh báo: “Đường ngập nguy hiểm, cấm đi lối này”. Nhưng rồi, có người phớt lờ cảnh báo, cố tình điều khiển xe máy vượt nước lũ, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Bão số 6 đã giảm sâu nhưng vẫn chưa dứt hẳn, nước lũ vẫn còn nhưng có người vẫn chủ quan, đem lưới ra thả, bắt cá và dẫn đến sự cố đau thương không ai mong muốn. Một số người vẫn vô tư chèo thuyền đi lại khi mưa lớn, nước trên sông đang lên.

Bao giờ cũng thế, trước khi mưa bão đến, cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; trong đó, lưu ý người dân không đánh cá, vớt củi… để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Chưa bao giờ phương châm “5 tại chỗ”, nhất là phương châm “tự quản tại chỗ” trong phòng, chống bão lụt lại thực tế và có hiệu quả như hiện nay, khi mà thời tiết luôn có những diễn biến quái dị, bất thường.

Mùa mưa bão đến, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút; trong đó, có bài học “tự quản tại chỗ”. “Tự quản tại chỗ” là các địa phương, cơ quan, đoàn thể, mỗi người, mỗi gia đình… tự quản lý lẫn nhau nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và người thân trong bão lũ. Đừng bao giờ chủ quan với mưa bão để dẫn đến những hệ lụy đau lòng, không đáng có.

Bài, ảnh: TÂM ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-chu-quan-voi-mua-bao-147597.html
Zalo