Đừng chu cấp 'quá đà'
'Anh không thương con gì cả, nó đi xa nhà thì cũng cần tiền để trang trải cuộc sống chứ?'. Chị dâu của tôi có vẻ không hài lòng khi nói chuyện với anh trai tôi.
Khi thấy tôi vừa bước vào sân chúc mừng năm mới, như vớ được “vàng”, chị phân bua: “Chú xem, cháu Tú nhà mình sắp đi bộ đội. Tôi bàn với anh chú cho cháu ít tiền để cháu chi tiêu. Mà tôi nói thế nào anh ấy cũng phản đối”.
Là cán bộ đang công tác tại Quân đội và trực tiếp quản lý, chỉ huy bộ đội, nên tôi kể cho chị nghe chuyện sinh hoạt, ăn, ở của các chiến sĩ ở đơn vị đều được bảo đảm đầy đủ theo chế độ; hằng tháng, chiến sĩ có tiền phụ cấp để trang trải những chi phí thiết yếu trong sinh hoạt và được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Nhiều chiến sĩ còn tiết kiệm phụ cấp gửi về hỗ trợ gia đình; có chiến sĩ khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự còn tiết kiệm được hàng chục triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.
![Ảnh minh họa: qdnd.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_16_51417867/de086be052aebbf0e2bf.jpg)
Ảnh minh họa: qdnd.vn
Tôi cũng giải thích kỹ hơn về việc nhiều gia đình vì quá lo cho con đã chu cấp quá đà dẫn đến chiến sĩ chi tiêu vô tội vạ, vi phạm quy định của đơn vị. Khi tôi vừa dứt lời, như hiểu ra vấn đề, chị dâu tôi hạ giọng: “Nhưng tôi nghe các đồng nghiệp ở cơ quan nói là đi bộ đội khổ lắm. Nhiều nơi còn tặng tiền, trao quà tặng các chiến sĩ mới”. Tôi giải thích thêm với chị dâu: “Chính quyền tổ chức tặng quà là để động viên tinh thần, trân trọng ý thức, trách nhiệm với đất nước của công dân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nguyện vọng của cháu Tú nhà mình là được đi bộ đội để học tập, rèn luyện và trưởng thành. Muốn giúp cháu thì anh chị nên phối hợp với địa phương, đơn vị để cùng động viên cháu vượt qua khó khăn của những ngày đầu quân ngũ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
“Vậy là tôi lo quá đà rồi!”, chị dâu tôi đã hiểu ra vấn đề.